"Mèo Vạc nằm ở điểm cuối của con đường Hạnh Phúc, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng kéo dài tuyến đường này để góp một phần mang lại hạnh phúc cho đồng bào nơi đây." - Bà Bùi Thanh Vân - thành viên nhóm thiện nguyện "Cầu Giấy yêu thương” Nhóm thiện nguyện “Cầu Giấy yêu thương” được thành lập từ cuối năm 2017 và chính thức ra mắt từ tháng 6/2018. Đến thời điểm này, với sư nhiệt huyết của các thành viên, nhóm đã và đang xây dựng được 12 điểm trường tại các tỉnh biên giới như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang và Điện Biên. Trong thời gian tới, nhóm "Cầu Giấy yêu thương” sẽ khảo sát thêm các khu vực có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục kêu gọi sự chung tay, giúp sức của các nhà hảo tâm, DN xây dựng các công trình công cộng, nhằm chia sẻ nỗi vất vả với những người dân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. |
Mang yêu thương đến miền biên ải
Kinhtedothi - Khi nhắc đến xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, người ta sẽ nhớ ngay đến đỉnh Mã Pí Lèng huyền thoại và dòng Nho Quế thơ mộng nhưng không kém phần gai góc…
Ít ai biết rằng, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm xưa, Sơn Vĩ là một xã với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số đã kiên quyết không sơ tán mà ở lại chiến đấu, tiếp tế lương thực cho bộ đội.
Sau nhiều năm trở lại xã Sơn Vĩ, điều dễ nhận thấy đó chính là sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất vùng biên này. Điều đáng mừng, bên cạnh sức mạnh nội tại, sự thay đổi của Sơn Vĩ còn đến từ tình cảm, tình yêu của Nhân dân cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đối với miền đất anh hùng ấy.
Những trái tim hướng về vùng biên
Sau nhiều lần thất hẹn, 19 giờ - đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi đã có mặt tại UBND quận Cầu Giấy để bắt đầu hành trình "Mang yêu thương đến miền biên giới" của nhóm thiện nguyện “Cầu Giấy Yêu Thương”. Sau khoảng 30 phút sắp xếp đồ đạc, chủ yếu là quà tặng, chiếc xe 24 chỗ chở gần 30 thành viên của nhóm "Cầu Giấy yêu thương" bắt đầu lăn bánh hướng về xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang – nơi nhóm thiện nguyện sẽ tổ chức khánh thành điểm trường Mầm non Trà Mần và khảo sát xây dựng tuyến đường bê tông qua bản Trù Sán.
Sau khoảng 10 giờ đồng hồ ngồi xe ô tô, đoàn chúng tôi có mặt tại thị trấn Mèo Vạc. Mất khoảng 15 phút “nạp” năng lượng bằng “bát phở lên nương” (bát phở nhiều bánh) như cách nói hóm hỉnh của Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Trần Quang Minh, chúng tôi bắt đầu lên xe để di chuyển đến thôn Trù Sán, xã Sơn Vĩ - nơi nhóm thiện nguyện sẽ tiến hành khảo sát để xây dựng một con đường bê tông dài khoảng 3,7km.
Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Trần Quang Minh cho biết, nơi đoàn sắp tới là tuyến đường cuối cùng mà người dân chưa thể đi xe máy vào trung tâm bản trên địa bàn huyện. Sau lời giới thiệu, ông Minh tiên phong dẫn đoàn trên con đường đất đá gồ ghề, một bên là vách đá, một bên là vực sân vào trung tâm thôn Trù Sán. Tuyến đường này đi qua 2 thôn với hơn 70 nhà dân. “Cuộc sống của bà con nơi đây khổ lắm, trồng ra nông sản cũng rất vất vả để đem ra chợ mua bán, trao đổi vì đường đi lại khó khăn” – ông Minh chia sẻ.
Theo tính toán, để thực hiện xây dựng tuyến đường này sẽ cần khoảng 700m3 bê tông. “Việc mở đường là điều không hề đơn giản, đặc biệt ở các xã vùng cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tích cực vận động, kêu gọi thêm sự chia sẻ, chung tay của các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện khác để đem lại niềm vui cho đồng bào nơi đây. Bởi, việc xây dựng công trình không chỉ có ý nghĩa với cuộc sống của đồng bào, mà còn có ý quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng” – một thành viên nhóm thiện nguyện “Cầu Giấy yêu thương” bày tỏ.
Hình bóng Thủ đô nơi vùng biên
Rời Sơn Vĩ, chúng tôi tiếp tục đến với thôn Trà Mần – nơi nhóm thiện nguyện "Cầu Giấy yêu thương" tổ chức khánh thành điểm trường Mầm non Trà Mần. Một thành viên trong nhóm “Cầu Giấy yêu thương” cho biết, công trình trên được khảo sát và triển khai xây dựng từ cuối năm 2018 và chính thức đi vào sử dụng từ ngày 21/2 vừa qua.
Điểm trường đang có 19 học sinh theo học. "Chúng cháu rất mừng khi được học tại điểm trường mới này. Phòng học, bàn ghế mới như tạo động lực để chúng cháu cố gắng học tập hơn nữa, không phụ lòng mong mỏi của các cô, các bác, các thầy cô giáo yêu thương" - em Lầu Mí Lỳ (sinh năm 2013) vui mừng nói.
Cô Mua Thị Cáy – Hiệu trưởng trường Mầm non Sơn Vĩ chia sẻ, khó khăn lớn nhất với giáo viên cắm bản là việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh bỏ lớp chính là sự xuống cấp của các điểm trường. Do đó, việc nhóm “Cầu Giấy yêu thương” và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng điểm trường là điều hết sức quý báu với ngành giáo dục địa phương.
“Từ khi điểm trường đi vào sử dụng, không chỉ các con có phòng học mới đảm bảo mà các cô giáo cũng có nơi ăn ở, thuận lợi cho việc bám trường, bám bản, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc, góp phần xây dựng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc” – cô Cáy nói trong niềm vui khôn tả.
Bí thư Huyện ủy Trần Quang Minh chia sẻ thêm với tôi: Những năm qua, công tác đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là tại các xã nghèo, xã biên giới… là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Hà Giang cũng như huyện Mèo Vạc đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ nhu cầu của người dân và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế. Do đó, sự chung tay, giúp sức các nhóm thiện nguyện nói chung, đặc biệt là nhóm “Cầu Giấy yêu thương” là rất đáng trân trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chúng tôi rời Mèo Vạc trong niềm vui xốn xang. Dù chặng đường đi vất vả, nhưng trên khuôn mặt mỗi thành viên trong đoàn luôn thường trực nụ cười trên môi, với hy vọng thắp lên ngọn lửa hăng say học tập của các em vùng đồng bào thiểu số biên giới phía Bắc.