Trải qua nhiều nghề, nghề nào cũng vất vả. Giờ may mắn thuê được một chỗ có ông đi qua, có bà đi lại, chồng bảo mở cửa hàng bán cháo lòng. Thế là chị biến thành bà cháo lòng tiết canh. Với kinh nghiệm hít bụi thành phố, ngồi lê la vỉa hè nhiều, để học cách nấu cháo lòng với đánh tiết canh, tìm mối lấy hàng sớm, chị coi chuyện nhỏ. Mà nhỏ thật. Thiện - anh chồng chỉ việc tìm chỗ kẻ biển "Cháo lòng tiết canh", mua sắm mấy bộ bàn, còn gia vị với lỉnh kỉnh bát đũa đến tay chị hết.
Tháo vát, mới đến là phải làm quen. Tâm sành chuyện. Hôm mở hàng, láng giềng rổn rảng sang ăn ủng hộ. Cánh thợ xây dựng trọ trong xóm cũng tuôn ra, vèo tí hết hàng. Ngày mở hàng dễ thở. Sáng thứ hai cũng vậy. Nhưng giảm dần, đến ngày thứ tư vắng liu riu. Hai vợ chồng hết đứng lại ngồi. Chị ngồi lê mấy chục năm, lưng sụp xuống, giờ cũng thấm thía nỗi sốt ruột của cảnh ế khách.
- Tôi với ông mệnh gì ý nhỉ? Làm sao ghép với nhau chẳng hợp, buôn bán gì cũng đói!
Chị cằn nhằn thế. Anh chồng sốt ruột chẳng nói gì, tự tay thái một đĩa nhỏ, nhúng mấy cọng hành ra ngồi bàn tự mở hàng một chén. Kệ nó chứ, làm ăn có lúc nọ lúc kia. Anh tự nhủ. Nhưng vợ chồng anh đã được lúc nào buôn bán nở mày nở mặt đâu. Làm nghề gì cũng toát mồ hôi. Tệ thật, chẳng nghề gì chọn mình. Phố xá bạc bẽo quá.
Soi mặt qua chén rượu, anh nghĩ. Sao có rượu vào anh lại nghĩ nhiều đến thế, rồi lại đau khổ giấu vợ, cố tỏ ra mình cứng cỏi. Nhìn dáng vợ, với khuôn mặt khắc khổ cứ nhìn ra đường, ngóng khách mới thấy mệt mỏi làm sao. Chẳng biết bao giờ mới kết thúc cảnh này. Anh chợt thấy cay mũi. Lúc nãy vợ than vãn sao ý nhỉ? À, "làm sao ghép với nhau chẳng hợp?". Mình chỉ là cái thằng nghèo kiết xác, cô nàng cũng có hơn gì. Hai đứa nồi nào úp vung nấy được rồi còn gì. Sinh ra được đứa con, lên năm tuổi gửi về quê ông bà nội chăm giúp để hai vợ chồng mưu sinh ngoài phố, giờ nó cũng hơn mười tuổi rồi, bố mẹ về nó coi như người dưng. Tệ thật.
Quán rộn hơn vì có ba khách vào. Lúc này mặt "mẹ nó" mới tươi lên thì phải. Thiện nghĩ. Thôi được khách nào hay khách ấy. Xung quanh đây người ta cũng sống trong phấp phỏm chờ đợi như thế. Toàn kẻ đi thuê nhà cất giấc mơ trong các con ngõ sâu toang hoác, càng vào sâu thì càng rộng và mở ra một thế giới người ngoại tỉnh.
- Hôm qua kiếm được con "lô", cứ uống thoải mái đi.
- Ông độ này đỏ, tôi đen hơn chó. Mơ sát đấy, nhưng đánh không vào.
- Phải kiên trì mà tính…
Đoạn hội thoại của ba gã đầu bù tóc rối đang nốc rượu khiến anh nghĩ, đây là những kẻ không chịu tính toán làm ăn, mà tin vào cờ bạc chờ đổi đời. Chị vợ đế thêm một câu vừa vui vừa vô duyên: "Chịu khó ra ăn cháo cho chị, rồi đỏ ngay!"
Cháo lòng tiết canh bình dân. Khách ăn bình dân. Đó, toàn công nhân xây dựng cùng chú bơm xe, gã bán báo rong, những người hàng xóm. Cuộc sống sẽ trùng trình trôi đi như thế, nếu chị vợ tìm cách nấu "lên cơ" níu chân khách. Và biết đâụ, một ngày đẹp trời nào đó, anh nổi hứng đánh "con đề", may mắn có khi đổi đời.
Đỡ đần vợ phục vụ khách từ sáng sớm đến chừng mười giờ, anh mang xe máy ra đầu cầu làm một gã xe ôm. Vẫn cái nghề phơi mặt trên phố với đủ nhọc nhằn. Đã có lúc, anh tự hỏi, trên đời có ai lận đận như mình? Ngồi chờ khách cháo lòng tiết canh cạnh vợ, anh cũng mông lung: Những gã hàng xóm kia sống ra sao?
Nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Họ cũng cùng cực, cũng mâu thuẫn, cũng bội phản, nâng cao ước mơ đổi đời. Hình như, đã là người thì phàm ai cũng thèm tiền. Nhưng thèm tiền như kiểu anh chàng bán cà phê ngay bên cạnh cũng là một kiểu. Chẳng là thất bại trong xây dựng, anh ta kéo vợ về thuê chỗ mở quán cà phê. Khách cũng làng nhàng vắng. Tiền kiếm được không đủ tiêu, vay lãi sống qua ngày. Cô vợ thắt théo gầy mặt không còn sức sống. Bức tường ngăn phòng mỏng manh không đủ che hết những lời to tiếng. Thành ra, từ bên này anh có thể nghe thấy rõ ràng tiếng vợ chồng cà phê cãi nhau. Nghiêm trọng đến mức đã viết đơn ly dị chỉ chờ ký. Quanh chuyện thiếu tiền thôi. Chao ôi, mâu thuẫn kinh tế thật nghiệt ngã. Thế mà chưa bỏ nhau được. Dường như họ cũng là hai miếng ghép, khớp lại với nhau, cũng như hai vợ chồng ai thì phải.
Đối diện quán cháo lòng, phía bên kia đường là vợ chồng bán gạo. Hình như cô vợ thô ráp cùng với anh chồng cục mịch ấy không tôn trọng nhau lắm. Có lần thắc mắc, anh được người ta nói rằng tính họ thế. Mắng nhau là hạng chó, đồ lợn nhưng lát sau lại cười hề hề với nhau. Họ cũng là một mảnh ghép rất cân xứng thì phải. Hôm qua, tưởng oánh nhau to, khi cô vợ nghi chồng có bồ bên ngoài, liền rủa xả hết cỡ, chất vấn tại sao có vết son môi trên cổ áo?. Anh chồng vốn dân bốc vác đô con tay mập mạp dứt áo, xé toạc hết thẩy rồi ôm cái bực bõ ra quán bia cỏ. Cô vợ chửi thằng chó tối cấm về ăn cơm. Tối đến chính vợ lại cười khì khì gọi chồng. Thật lạ.
Sáng nay may mắn có nhóm ba khách mở hàng cùng một lúc. Tâm hí hửng thái lòng, nhúng mấy cọng hành và bưng tiết canh. Thiện ngồi hóng hớt lúc rửa bát, lúc uống trà vã. Phía đối diện, chếch bên tay phải là cặp vợ chồng thu mua đồng nát. Nghe nói người chồng vũ phu bạo hành vợ. Thiện không tin cái gã có vẻ sáng sủa ấy lại ác thế. Anh ngồi quan sát họ mở cửa ken két và bắt đầu công việc mới. Đám công nhân gỡ mấy sợi dây thép quấn quanh người, do nẫng được của công trình, giờ hết ca gỡ ra bán. Chị thu mua đồng nát làm một cuốc sáng sớm quanh mấy bãi bia đêm qua, kiếm được một ít tranh thủ ra cân. Ấy thế chẳng bao lâu đã nghe thấy tiếng xủng xẻng của sắt. Chiếc cân đồng hồ bị ném xoảng vào một góc.
Gã chồng sáng sủa ấy tục tằn chửi vợ. Trên đời có bất cứ thứ con gì kinh tởm nhất, gã đều lôi ra, bảo vợ là con đó. Cô vợ cắn răng nhịn. Nhưng gã càng được nước. Phụp. Chiếc bình ga mini gỉ ngoèn vẫn còn lưng lửng nước bên trong, táp ngay vào má chị. Đau điếng. Máu chảy rồi kìa. Lúc này cô vợ mới hét lên: "Đồ độc ác"! Sau tiếng hét, gã vung tay thụi một nhát nữa vào mặt vợ. Choáng, gục xuống đất, hàng xóm ùa sang. Gã chồng lủi đi chỗ khác. Hình như tìm chỗ nốc rượu.
Hỏi nguyên nhân chồng đánh, thì ra, chỉ vì cô vợ cân "tươi" cho chị đồng nát một chút, gã chồng tham lam không chịu thiệt đã nổi điên. Chuyện thường. Gã luôn ép vợ mua bán bao giờ cũng phải lãi, không lãi không xong.
Phải một hồi lâu cô vợ tội nghiệp mới tỉnh trong vòng tay hàng xóm. Thiện chạy về nhà cầm chai thuốc bóp. Đây bóp cho cô ấy, khổ quá. Vâng, em xin. Hàng xóm xúm vào một tí, cô vợ đứng dậy chửi chồng mấy câu rồi lại tiếp tục dọn đồ. Ai đó nói: "Máu chảy đầy đầu kìa, đi viện thôi còn làm gì nữa, thuốc chỉ đỡ xưng thôi". Cô vợ gạt đi: "Em không đi, cứ để gã ác độc đó về chứng kiến. Em cứ chết dần chết mòn thế này thôi".
Tâm bỏ hàng đó sang khuyên. Thôi đi viện đi, đừng để máu chảy thế. Chỉ thiệt thân, khổ con thôi. Cô thu mua đồng nát không nghe. "Thôi cứ để mặc em".
Nửa tiếng sau mới có người bạn đến đưa cô vợ tội nghiệp đi bệnh viện. Thuốc thang xong buổi trưa về, cầm chai thuốc sang trả.
Thiện bảo:
- Cứ để đó mà dùng dần.
Tâm bĩu môi:
- Cái anh này, bảo em nó thế, khác gì cho là em nó bị đánh thường xuyên.Đột nhiên cả ba nhìn nhau. Cô đồng nát không giấu nổi nỗi tủi thân. Đúng đấy hai bác ạ, em bị bạo hành thường xuyên, dứt không dứt được, cứ phải sống khổ.
Giờ cơm trưa, Thiện bảo vợ:
- Hóa ra xóm này nhiều người khổ. Cặp vợ chồng nào cũng khấp kha khấp khểnh.Tâm đế thêm vào:
- Rõ rồi, nhìn là biết. Ai cũng phải sống chung với lũ.
Thiện trố mắt:
- Em ăn nói văn hoa quá nhỉ. Anh với em đâu có chung lũ nào!
Tâm bĩu dài hơn:
- Tôi với ông ngày nào chả to tiếng. Không lũ là gì.
Và nốt miếng cơm, Thiện bâng quơ:
- Đời cháo lòng tiết canh xe ôm như vợ chồng mình lại hay. Chả phải nói tự hào, vợ chồng mình sống hạnh phúc hơn mấy gia đình bọn họ.
Sáng hôm sau, Tâm sai chồng đi lấy lòng sớm. Trên đường về, màn đêm còn giăng, đèn xe chói lói, gục gặc thế nào Thiện đâm vào đống tập kết rác thải. Mấy bọc nội tạng rơi xuống đất bục ni-lông ra, rơi lóe xóe. Về nhà vợ hục hặc bảo, làm không nên thân. Mất toi hơn tiếng đồng hồ Tâm ngồi tẩm dấm bóc đất cát lẫn trong nội tạng, mở hàng muộn hơn mọi ngày.
- Kinh tế suy giảm, ảnh hưởng đến cả cháo lòng tiết canh. Thiện nói, nhìn đồng hồ đã chín giờ, vẫn chưa có khách mở hàng. Nhìn dáng vẻ của vợ sốt ruột, hết đứng lại ngồi, rồi quài tay đấm lưng vì mỏi, anh cũng buốt ruột theo.
Tâm không ủng hộ, mắng:
- Than cái con khỉ. Thua keo này bày keo khác.
- Em nói ngon nhỉ? Tháng này phải gửi gần chục triệu về quê cho ông bà lo cho con, rồi còn mấy việc nữa. Còn tiền gửi mừng đám cưới… Thiện thở hắt ra một hơi dài.
- Cái ông này, cứ thở ra là tiền!
- Phát sốt lên ý chứ. Thôi, tôi đi làm vài cuốc xe ôm đây. Số tôi sao khổ thế này.
Tâm bỗng nóng người:
- Ông biến đi cho khuất mắt. Làm đã chẳng nên thân, cứ phát sốt mới phát rét.
Trưa đó Thiện không về ăn trưa, tiện thể làm vài cuốc xe. Lúc mệt, cũng là cuối giờ chiều, anh gọi mấy người bạn đi quán chén chú chén anh. Chuyện trên giời dưới biển, chuyện than thân trách phận làm ăn như rúc đầu bụi rậm được tung ra. Vợ chẳng gọi điện. Anh khật khừ say, vẫy thanh toán, tạm biệt mấy ông bạn, ra về.
Gần mười giờ khuya, vợ đã đi nghỉ. Mùi rượu Thiện phả ra phát buồn nôn. Mà nôn thật.
Vừa đặt mình xuống thì Thiện nôn. Nôn thốc tháo như khạc cả mật xanh mật vàng. Tâm khó chịu không để đâu hết. Nốc đẫy cho say rồi về nôn. Con này không dọn, để sáng mai tỉnh, đi mà dọn.
- Anh say quá em ơi.
Lời của Thiện không làm Tâm cảm động, trái lại, như thêm dầu vào lửa.
- Sao ông không chết đường chết chợ đi, còn về đây với dáng vẻ này làm gì. Biết say sao còn uống! Trời ơi là trời, sao tôi nhục thế này!
Tâm lật lấy manh chiếu, ra trải góc sàn nằm một mình tránh mùi nôn của chồng, mặc anh hừ hừ rên. Bỗng nghe bên kia lục đục đánh cãi nhau. Tiếng đồ đạc loảng xoảng đổ vỡ. Lại con chó con mèo cho mày chết này. Nghe tiếng, Tâm nghĩ ngay là vợ chồng nhà bán gạo.
Chắc lại con lô con đề, hoặc bồ bịch tèm nhem đây.
Một lúc im. Chắc chán rồi ngủ. Đang mơ mơ, Tâm nghe tiếng vợ bán gạo đập cửa rình rình. Mở, vợ bán gạo thù đầu vào hỏi:
- Chị ơi, chai thuốc bóp của chị còn ở nhà không, em mượn, chồng em đánh em xưng đầu.- À, ở nhà đồng nát, để chị đi gõ cửa.
Vợ bán gạo nhìn nhanh vào trong nhà.
- Em thấy chồng chị mới về. Anh ấy say à, kìa, nôn nhiều quá, tội nghiệp, sao chị không đắp cho anh ấy cái chăn. Chị đắp vào cho anh ấy đi, để tự em đi gõ cửa, mượn chai thuốc
.Tự nhiên Tâm thấy nhũn hết cả người. Ừ nhỉ. Mình vô tâm quá. Vợ chồng ai chả có lúc mâu thuẫn. Chuyện đó ở quanh đây diễn ra thường xuyên. Chồng mình như thế là quá hiền, có phải anh ấy chưa từng say đâu, Tâm nghĩ. Và nước mắt trào ra. Tâm nói với Thiện, cũng là nói với lòng mình.
- Em sẽ cho anh uống chanh giải rượu và dọn dẹp. Em xin lỗi anh. Em vô tâm quá.
Minh họa: Hoài Văn
|