Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạnh tay để giải quyết tận gốc tranh chấp quỹ bảo trì nhà chung cư

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xử lý hình sự đối với việc chủ đầu tư cố tình chây ì không chịu bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư cho Ban quản trị tòa nhà, là nội dung được các chuyên gia đề xuất từ nhiều năm nay. Đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên thực thi. Theo đánh giá, đây là “bước ngoặt” để giải quyết những tranh chấp kéo dài giữa chủ đầu tư dự án nhà chung cư với cư dân.

Xử phạt nhưng chưa đủ răn đe

Thời gian qua, mặc dù vấn đề tranh chấp quyền quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư đã tốn rất nhiều công sức, trí lực của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân một phần do những văn bản pháp quy chưa chi tiết, đủ sức răn đe; cũng có phần thiếu trách nhiệm với cộng đồng trong quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn đến hàng loạt vụ tranh chấp xảy ra.

Thống kê từ Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội có 845 nhà chung cư thương mại được đưa vào vận hành, thành lập 632 ban quản trị nhà chung cư, bàn giao 560 hồ sơ cho ban quản trị. Nhưng mới chỉ 399/560 ban quản trị được nhận bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư (2%).

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã ban hành 15 kết luận thanh tra liên quan tới công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư tại 22 dự án trên địa bàn TP. Qua đó yêu cầu chủ dự án trả lại cư dân 250 tỷ đồng quỹ bảo trì, để quản lý, sử dụng theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.

Những tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà sẽ sớm được giải quyết.
Nhiều tranh chấp đã thành “điểm nóng” kéo dài, như Chung cư Riveside Garden, số 349 Vũ Tông Phan thuộc địa bàn phường Khương Đình (Thanh Xuân), chủ đầu tư là liên danh Công ty CP Sản xuất kinh doanh & Xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty CP Đầu tư thiết kế - xây dựng Việt Nam (nay là Công ty CP Tập đoàn Videc) quản lý kinh phí bảo trì không đúng quy định, khiến cư dân bức xúc.
Hay dự án 6th Element do Công ty CP Đầu tư xây dựng & Thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư; Dự án chung cư hỗn hợp Hateco Hoàng Mai chủ đầu tư Công ty Cổ phần Hateco Hà Nội... cũng xảy ra những vi phạm tương tự.
Trên thực tế, thời gian qua, UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã đã tích cực giải quyết những tranh chấp này. UBND TP giao Sở Xây dựng tham mưu ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho các ban quản trị; Ủy quyền cho UBND quận, huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì chung cư 18T1, 18T2 The Golden An Khánh; N03T8 Khu đoàn Ngoại giao; Chung cư B - Hòa Bình Green City... Xử phạt Công ty CP Thương mại quảng cáo xây dựng địa ốc Việt Hân và chủ đầu tư chung Hòa Bình Green City số 505 Minh Khai (Hai Bà Trưng) 125 triệu đồng do chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm bàn giao quỹ bào trì... nhưng dường như biện pháp xử phạt vẫn không giải quyết triệt để được vấn đề.
Cần minh bạch trong điều tra xử lý
Theo KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội, quỹ bảo trì nhà chung cư được những “cá mập” (chủ đầu tư – PV) xem là “mồi ngon” không thể bỏ qua, mặc dù với chỉ 2% tiền quỹ, nhưng số tiền thu được lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, chỉ tính bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng thì số tiền xử phạt vài trăm triệu đồng chưa thấm vào đâu, chưa kể chủ đầu tư còn dùng số tiền đó đi đầu tư kinh doanh với lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần.
“Rất nhiều văn bản được ban hành, nhưng chưa có sự đột phá, mâu thuẫn cũ chưa kịp giải quyết thì mâu thuẫn mới đã nảy sinh. Các quy định dường như vô giá trị khi nhiều chủ đầu tư cứ ngang nhiên không chấp hành bàn giao, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng” – KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản 3734/UBND-SXD, thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BXD của Bộ Xây dựng về tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Lần này, UBND TP giao Sở Xây dựng thanh tra chuyên ngành về nhà ở trên địa bàn, trong đó tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định; Công an TP chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng...
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trịnh Hữu Đức – Văn phòng Luật sư Hàm Rồng cho rằng, TP Hà Nội đưa ra quyết định hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự quyết liệt của chính quyền trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư tồn tại nhiều năm qua.
“Đầu năm 2021,Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều Luật Nhà ở 2014, quy định những nội dung mới trong xử lý tranh chấp quỹ bảo trì. Đến nay, TP Hà Nội quyết định khởi tố hình sự trường hợp vi phạm nghiêm trọng, như vậy chế tài đã đủ mạnh, vấn đề hiện nay là cần sự công bằng, minh bạch trong quá trình xử lý, tránh trường hợp quy định đưa ra chỉ để có cho đủ” – luật sư Trịnh Hữu Đức cho hay.
Các chuyên gia đều cho rằng, hành lang pháp lý đã rất rõ ràng, chế tài đủ mạnh, nhưng cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần phải tổ chức thực hiện các quy định mới ban hành này một cách nghiêm minh, hiệu quả. Từ đó, nâng mức cảnh báo, răn đe và xử lý nghiêm những chủ đầu tư vi phạm để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người mua nhà.

Những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân các dự án xảy ra với số lượng lớn, không chỉ riêng vấn đề về quỹ bảo trì. Bản thân chúng tôi cũng phải rất nhiều lần đi đấu tranh, trong khi quy định của pháp luật dường như vẫn dành sự “ưu ái” cho chủ đầu tư. Lần này, UBND TP Hà Nội có biện pháp xử lý hình sự đối với những chủ đầu tư vi phạm quy định liên quan đến quyền lợi cư dân, chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ và phải làm quyết liệt như vậy mới giải quyết được tận gốc vấn đề. 

Trưởng Ban quản lý nhà A1, chung cư 54 Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) Nguyễn Đức Tiến