Mạnh tay với dự án bỏ hoang

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đô thị hóa tạo tiền đề cho đô thị phát triển hiện đại. Nhưng mặt trái để lại không ít bức xúc bởi hiện trạng thiếu nhà, thừa đất, dự án bỏ hoang.

Nhiều dự án trên địa bàn huyện Mê Linh chậm triển khai. Ảnh: Giang Huy  
Nhiều dự án trên địa bàn huyện Mê Linh chậm triển khai. Ảnh: Giang Huy  

Thực tế, tình trạng hàng loạt dự án bỏ hoang trong những năm qua có nhiều nguyên nhân. Tựu trung gồm ba nguyên nhân: Do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, được giao dự án rồi lại không triển khai; dự án đang xây dựng dở dang, chủ đầu tư huy động tiền của khách hàng rồi bỏ trốn; do chủ đầu tư cố tình “ôm” đất chờ giá lên cao mới triển khai, hoặc sang nhượng.

Tình trạng này được nêu lên trong nhiều năm qua, tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ngay trên địa bàn Hà Nội, vẫn còn rất nhiều dự án dạng này.

HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Ngoài những yêu cầu về tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án theo quy định của pháp luật.

Trường hợp dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với từng dự án theo quy định của pháp luật; Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật liên quan đối với trường hợp chây ì, tiếp tục vi phạm.

Thêm một điểm đáng chú ý nữa, nghị quyết của HĐND giao UBND TP Hà Nội xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo trong quý II/2022 tập trung xong công tác hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; phấn đấu hết quý IV/2022 thực hiện xử lý xong các dự án chây ì, tiếp tục vi phạm.

Nhiều người kỳ vọng, những biện pháp quyết liệt, xử lý vi phạm kiên quyết của cơ quan chức năng sẽ tạo đà cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, bền vững. Nhưng cũng có lo ngại sẽ khó hoàn thành mục tiêu, khi đến thời điểm tháng 3/2022, trên địa bàn Hà Nội còn 33 dự án vi phạm luật đất đai chưa xử lý; có 91 dự án, tổng diện tích gần 500ha, không sử dụng đất, chậm tiến độ, để hoang hóa, gây lãng phí.

Trước đó, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng TP Hà Nội đã ra quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 60 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng.

Không chỉ ở từng địa phương, đặc biệt với các TP lớn, rồi bộ, ngành chức năng, mà Chính phủ đã có nhiều biện pháp thông qua chế định pháp luật với những quy định trong các luật, nghị định về kinh doanh bất động sản, nhà ở, đất đai, đấu giá… được ban hành. Tuy vậy, chưa thể ngăn chặn triệt để hiện tượng đầu cơ, lướt sóng bất động sản. Bởi ngay trong thời gian gần đây, trên cả nước vẫn chưa nguôi giá đất liên tục bị đẩy lên, người người đổ xô mua đất.

Một đề xuất không mới xem như sẽ đánh mạnh vào hiện tượng “ôm” đất thông qua đánh thuế bất động sản được khơi lại vẫn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, đánh thuế bất động sản sẽ hạ nhiệt tình trạng đầu cơ, lướt sóng. Kết hợp với những chế định nghiêm ngặt từ các luật, nghị định, qua đó sẽ hạn chế tình trạng một cá nhân sở hữu nhiều nhà đất; đồng thời tạo răn đe mạnh buộc các chủ đầu tư bắt tay vào thực hiện những bước triển khai xây dựng dự án, tránh để lãng phí tài nguyên đất lâu dài, giảm bức xúc trong dư luận. Cũng từ đó, nâng số lượng quỹ nhà ở, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu cải thiện nơi ở, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần