Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạo danh CIC để lừa nâng điểm tín dụng

Lan Anh (t/h)
Chia sẻ Zalo

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết, thời gian qua ghi nhận một số trường hợp mạo danh CIC nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu khách hàng vay chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để CIC nâng điểm tín dụng, hỗ trợ quá trình giải ngân vốn vay nhanh hơn...

Những đối tượng lừa đảo này đã sử dụng hiểu biết về lĩnh vực tài chính nói chung và hoạt động thông tin tín dụng nói riêng, sử dụng các thuật ngữ chuyên môn như "tín nhiệm" và "đóng băng" để tạo ra sự tin tưởng cho khách hàng.

Bằng cách gửi văn bản giả mạo, đầy đủ con dấu và chữ ký, đối tượng lừa đảo thông báo cho khách hàng vay rằng hồ sơ tín dụng của họ có lỗi, bị khóa, và không đủ điểm tín dụng để được giải ngân khoản vay. Đồng thời, đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của mình để CIC có thể "nâng điểm tín dụng" và hỗ trợ quá trình giải ngân vốn vay nhanh chóng hơn.

Một số trường hợp mạo danh CIC để lừa đảo.  
Một số trường hợp mạo danh CIC để lừa đảo.  

CIC khẳng định, đây là hình thức lừa đảo, mạo danh CIC để chiếm đoạt tiền của khách hàng. “Hành động trên là trái pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; hình ảnh, uy tín của Ngân hàng Nhà nước (CIC) cũng như đến hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng” – tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết.

CIC cũng khẳng định, chỉ thực hiện cung cấp Báo cáo thông tin tín dụng đến trực tiếp từng khách hàng vay theo quy định của pháp luật tại Khoản 1, Điều 16, Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngày 28/01/2023, qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay https://cic.gov.vn và ứng dụng trên điện thoại thông minh “CIC Credit Connect” miễn phí 1 năm/lần; khách hàng trả tiền khai thác báo cáo từ lần thứ 2 với mức phí 22.000 đồng/báo cáo (đã bao gồm VAT).

“CIC không chủ động thông báo và yêu cầu khách hàng phải trả phí cho các khoản cấp tín dụng của thông tin tín dụng” – đơn vị này nhấn mạnh.

Do đó, CIC đã đưa ra một số khuyến cáo quan trọng đến người dân nhằm bảo vệ bản thân và tránh rơi vào tình huống lừa đảo:

- Không gửi mã số OTP cho bất kỳ ai: OTP là một mã xác thực một lần được sử dụng để bảo mật thông tin tài khoản. Người dân không nên tiết lộ mã số này cho bất kỳ ai, tránh mạo danh và lừa đảo.

- Không chuyển tiền để được xóa nợ, ẩn nợ hoặc nâng điểm tín nhiệm: CIC khẳng định rằng họ không yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào để cấp tín dụng.

- Nên thường xuyên kiểm tra và khai thác báo cáo tín dụng cá nhân trên Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC hoặc qua ứng dụng trên điện thoại thông minh "CIC Credit Connect". Điều này giúp đảm bảo thông tin tín dụng chính xác và giúp chủ động theo dõi mức độ tín nhiệm và tình trạng tín dụng cá nhân.

- Người dân cần cẩn trọng khi chia sẻ các thông tin định danh cá nhân như CMND, CCCD cho các bên cung cấp dịch vụ. Chỉ nên chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy.

-  Nếu người dân bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị mạo danh bởi các đối tượng giả danh CIC, họ nên thông báo cho CIC hoặc cơ quan công an để được hỗ trợ và xử lý theo quy định của pháp luật.