Mạo hiểm với đất xen kẹt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đất nền tiếp tục hạ, nhà ở thương mại giá mềm, bình dân chào bán ồ ạt, tưởng chừng sẽ khiến cho đất xen kẹt khó có giao dịch. Song qua tìm hiểu thực tế, loại đất này vẫn được nhiều người hỏi mua, nhất là khu vực Thanh Xuân, Từ Liêm.

Thậm chí, giá mỗi mét vuông của những mảnh đất xen kẹt đang cao hơn cả giá nhà chung cư thương mại.

Giá cao

Tại Hà Nội, qua tìm hiểu một số sàn giao dịch bất động sản (BĐS), hiện khu vực quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm đang có nhiều khu đất xen kẹt được rao bán nhưng giá không rẻ. Cụ thể, tại quận Thanh Xuân, các ô đất ở khu Bùi Xương Trạch được rao bán với giá 16 - 17 triệu đồng/m2, Triều Khúc 20 triệu đồng/m2, Hạ Đình (gần ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến) 32 triệu đồng/m2… Tại huyện Từ Liêm, các ô đất tại khu vực các xã Đông Ngạc, Phú Diễn giá dao động từ 18 - 20 triệu đồng/m2, Tân Mỹ (Mỹ Đình) 11 - 13 triệu đồng/m2. Với mức này, giá mỗi mét vuông đất xen kẹt tương đương hoặc cao hơn giá căn hộ chung cư đang được rao bán trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, những mảnh đất này hiện còn không nhiều, bởi theo nhiều sàn BĐS, mỗi khi đăng thông tin rao bán các mảnh đất xen kẹt là có người hỏi mua ngay, nhất là khu vực nội thành, có vị trí đẹp. Lý giải điều này, anh Trần Văn Cảnh, "cò" chuyên về đất xen kẹt cho hay: "Tầm 600 triệu đồng - 1 tỷ đồng là có thể sở hữu mảnh đất 30 - 40m2 khá ưng ý”. Thủ tục mua bán, chuyển nhượng lại đơn giản không phức tạp, cùng tâm lý muốn có "mảnh đất cắm dùi" nên dù không có sổ đỏ, tính pháp lý mập mờ, nhiều rủi ro, đất xen kẹt vẫn được nhiều người sẵn sàng mạo hiểm đầu tư.

Mạo hiểm với đất xen kẹt - Ảnh 1

Một mảnh đất xen kẹt tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.

 Mập mờ pháp lý

Đất xen kẹt là đất vườn, đất nông nghiệp (chưa được công nhận là đất ở) nằm trong khu dân cư, hoặc đất dư sau quy hoạch. Những loại đất này thường không có sổ đỏ, chuyển nhượng chỉ thông qua giấy tờ viết tay. Trong vai người tìm mua đất, chúng tôi đã trao đổi với anh Trần Minh Khoa, đang rao bán mảnh đất xen kẹt 40m2 gần ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển. Anh Khoa cho biết: "Mảnh đất đang rao bán được hợp tác xã chia bán từ năm 2001 đến nay chưa có tranh chấp gì, nếu mua có thể xây nhà cấp 4 để ở và cho thuê". Nhưng khi được hỏi về các giấy tờ cần thiết thì anh Khoa cho biết chỉ có giấy tờ mua bán viết tay, đồng thời động viên: "Chị cứ yên tâm vì đất có nguồn gốc rõ ràng", đồng thời cam kết sẽ giới thiệu để làm thủ tục với chính quyền cho xây dựng nhà hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi trao đổi với ông Nguyễn Hiếu, phụ trách mảng đất nền của sàn BĐS Vicland (Mễ Trì, Từ Liêm) được biết: "Đối tượng săn tìm và giao dịch đất xen kẹt phần nhiều là những người rất am hiểu các quy định liên quan đến đất đai hoặc người dư tiền, đầu tư đợi hưởng lợi. Bởi do chi phí đầu tư ban đầu cho những mảnh đất không sổ đỏ nhưng vị trí đẹp thường rất rẻ". Tuy nhiên, với kinh nghiệm nghề nghiệp, ông Hiếu khuyến cáo người mua, không nên thấy rẻ mà mạo hiểm đầu tư loại đất này vì rủi ro cao. Hơn nữa, giấy tờ giao dịch mua bán chỉ viết tay hoặc photo, rất dễ bị "bẫy". Đã có trường hợp cùng một mảnh đất được bán cho nhiều người. Khi nảy sinh tranh chấp, người mua không có căn cứ để chứng minh là đất của mình.

Dù tính pháp lý không rõ ràng nhưng các mảnh đất xen kẹt tại nội thành và ven đô vẫn có nhiều người tìm mua. Do đó, người mua nên cẩn trọng, kiểm tra, xác minh rõ ràng nguồn gốc mảnh đất, giấy tờ để tránh bị lừa khi đầu tư loại hình đất này.

Ngày 20/12/2011, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 40/QĐ - UBND, quy định về trình tự, thủ tục cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt (không thuộc đất công) sang đất ở. Tuy nhiên, dù quyết định trên có hiệu lực đã hơn một năm, song, quá trình thực hiện tại các quận, huyện vẫn còn gặp nhiều bất cập như: Hội đồng thẩm định giá địa phương khó xác định giá đất sát với thị trường, vướng trong hạn mức đất được cấp... Phía người dân thì không mặn mà do phải nộp khoản tiền lớn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.