Tuy nhiên, có vẻ “vận đen” vẫn chưa ngừng đeo bám thị phần này khi liên tục vướng phải những lùm xùm ngay từ đầu năm. Theo phản ánh của hàng trăm cư dân tới các cơ quan truyền thông, chủ đầu tư nhiều dự án cao cấp có dấu hiệu mập mờ, không trung thực với khách hàng khi bán nhà không có đường vào.
Mượn lối đi vào chung cư cao cấp
Sau Tết Nguyên đán, thị trường địa ốc được phen “dậy sóng” với thông tin nhiều dự án bất động sản (BĐS) cao cấp tại Hà Nội dù đã đi vào hoạt động song cư dân vẫn phải loay hoay tìm lối đi. Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Đình Tuấn – đại diện cộng đồng cư dân dự án Home City do Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính (gọi tắt là Văn Phú) làm chủ đầu tư thể hiện thái độ bức xúc khi bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu một căn hộ… không đường vào. Theo ông Tuấn, trong chứng từ mua bán nhà với khách hàng, Văn Phú đều nêu rõ: Dự án Home City có địa chỉ tại số 177 Trung Kính, tổ 51 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Thế nhưng, sau khi hàng nghìn cư dân chuyển về sinh sống mới “phát hoảng” khi biết lối đi vào chung cư nằm ở mặt đường 177 Trung Kính chỉ là “lối đi nhờ” không thuộc quyền sử dụng của chủ đầu tư và cư dân.
Thay vì sử dụng lối đi tại vị trí 177 Trung Kính, cư dân dự án |
“Thay vì được sử dụng lối đi tại vị trí đắc địa 177 Trung Kính thì cư dân phải đi lại bằng lối phụ trên đường Nguyễn Chánh: Không địa chỉ rõ ràng, không có nhận diện chung cư trên cổng, khuất tầm nhìn. Đã có TNGT xảy ra tại đây khi cư dân sang đường bị ô tô ngược chiều tông phải. Việc địa chỉ chung cư một đằng, đường vào một nẻo khiến chúng tôi thiệt hại về mặt kinh tế, cảm giác bị Văn Phú lừa. Bởi nếu dự án rao bán trên đường Nguyễn Chánh thì giá sẽ mềm hơn” - chị Hiền, cư dân tòa V1 thuộc chung cư Home City phản ánh.
“Nhà chạy trước đường” cũng là tình cảnh đang diễn ra tại các dự án chung cư The one Residence, The two Residence và Shophouse thuộc khu đô thị Gamuda Gardens do Tập đoàn Gamuda Land làm chủ đầu tư. Với tình hình báo động về trộm cắp, cư dân khu biệt thự Gamuda Gardens kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch, nhanh chóng làm đường riêng cho các hộ gia đình thuộc chung cư và shophouse, không sử dụng lối đi của cư dân khu biệt thự để đảm bảo an ninh trật tự. Liên quan đến vấn đề này, đại diện chủ đầu tư Gamuda Land cho biết, đã có phương án mở một con đường song song với ngõ 885 thuộc ranh giới phía trong đất chủ đầu tư quản lý để làm đường đi cho dân khu vực chung cư, shophouse ở phía bên ngoài đường vành đai 3. “Chủ đầu tư cho biết phải mất ít nhất 8 tháng để hoàn thành con đường đi vào các tòa chung cư. Đồng nghĩa chúng tôi phải đi lại qua con đường nhỏ gần nghĩa địa mất an toàn trong từng ấy thời gian để về căn hộ. Nhà xong rồi mới bắt đầu làm đường có khác nào “treo đầu dê bán thịt chó”?” - chị M.A cư dân chung cư The one Residence bức xúc.
Lợi dụng lỗ hổng pháp lý
Còn nhớ cuối năm 2016, dự án cao cấp Sunshine Garden cũng từng phải dừng thi công khi bị một chủ đầu tư khác yêu cầu dừng “mượn” đường. Sunshine Garden theo quy hoạch ban đầu là một phần thuộc dự án Ao Mơ do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư. Đây cũng là đơn vị được giao triển khai làm tuyến đường Minh Khai – Yên Duyên – Vĩnh Tuy rộng 40m2 khi hoàn thành sẽ chạy qua dự án Sunshine Garden . Khi tuyến đường chưa triển khai để xây dựng dự án Sunshine Garden, chủ đầu tư Sao Ánh Dương buộc phải mượn đường đi tạm trong khuôn viên dự án Ao Mơ của Công ty Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 10, Công ty Vĩnh Hưng đã có văn bản yêu cầu Sao Ánh Dương dừng hoạt động các phương tiện đi lại trên tuyến đường tạm vào dự án Ao Mơ khiến dự án… án binh bất động.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, xảy ra liên tiếp những vụ nhà chạy trước đường thời gian qua chủ yếu do các chủ đầu tư đã lợi dụng lỗ hổng pháp lý. Theo quy định của Luật Nhà ở, chủ đầu tư có trách nhiệm công khai các thông tin liên quan như loại BĐS, quy mô, vị trí BĐS và thông tin về quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến dự án để cho khách hàng tham khảo trước khi mua bán căn hộ. Các thông tin này phải công khai trên trang điện tử của DN, trụ sở dự án hoặc sàn giao dịch BĐS. Quy định là thế nhưng hầu hết các chủ đầu tư chỉ “trưng” những lợi thế, ưu điểm mà giấu nhẹm các bất lợi của dự án để “đẩy” hàng. Việc các DN triển khai xong dự án mà không tính đến vấn đề quy hoạch con đường cho người mua nhà là có dấu hiệu không minh bạch, mập mờ trong việc công khai thông tin.
Hiện tại, trên thị trường BĐS đâu hiếm tình trạng chủ đầu tư hứa hẹn dự án sẽ nắm giữ vị trí đắc địa khi có quy hoạch đường này, đường kia chạy qua để “kéo” khách hàng. Thế nhưng, quy hoạch là định hướng, mà định hướng thường xác lập trong giai đoạn dài, cho nên có thể có thay đổi, quy hoạch một con đường vì thế không ngoại lệ. Trong trường hợp đó, nếu không có quy hoạch đường qua dự án, nhiều cư dân của các chung cư trên phải đứng trước lựa chọn đi đường vòng hoặc... “bay lên trời” để về nhà. Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp Chuyên gia nhận định Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư Con đường là dự án hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt của cư dân thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Do đó, chủ đầu tư bắt buộc phải tìm mọi giải pháp đáp ứng đúng cam kết đã ký với khách hàng. Chẳng hạn như đề xuất TP xin được phép bỏ vốn đầu tư xây dựng con đường đó, để bảo đảm quyền lợi đi lại chính đáng của cư dân. Hằng Vân ghi |