Marcos 2.0 ở Philippines

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp các nhà lãnh đạo của Philippines trong nhiều thập kỷ qua đã nỗ lực để thu hồi hàng tỷ USD bị thất thoát dưới thời cựu Tổng thống Ferdinand Marcos. Giờ đây, người con trai duy nhất của ông - Ferdinand Marcos Jr. - có thể phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn này.

Khôi phục hình ảnh gia đình

Theo các số liệu kiểm phiếu sớm, Ferdinand Marcos Jr. - thường được biết đến với biệt danh “Bongbong” - đã dẫn đầu mạnh mẽ trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines hôm 9/5 vừa qua. Đáng nói, chiến thắng của Marcos Jr vang dội bất chấp những di sản tai tiếng của bố ông trong thời gian lãnh đạo Philippines, từ năm 1965 - 1986.

Ferdinand Marcos Jr. cùng gia đình trong buổi vận động tranh cử cuối cùng vào ngày 7/5/2022, tại Manila, Philippines. Ảnh: Getty Images
Ferdinand Marcos Jr. cùng gia đình trong buổi vận động tranh cử cuối cùng vào ngày 7/5/2022, tại Manila, Philippines. Ảnh: Getty Images

Trong suốt thời gian tranh cử, các đối thủ của Marcos Jr. thường tấn công ông bằng cách nhắc lại một thời kỳ khốn khó của Philippines, chứng kiến hơn 2.000 người chết và hàng nghìn người khác bị tra tấn sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos tuyên bố thiết quân luật vào những năm 1970. Tuy nhiên, Marcos Jr đã cố gắng khôi phục hình ảnh của gia đình mình, một phần nhờ vào chiến dịch truyền thông xã hội của những người ủng hộ ông.

Chính trị gia 64 tuổi đã không né tránh việc gợi nhắc về hình ảnh bố mình trên con đường vận động tranh cử, khi sử dụng ký hiệu tay “V” đặc trưng của ông Ferdinand Marcos thời còn đương nhiệm, hay việc chơi một bài quốc ca từ thời thiết quân luật trong các cuộc vận động tranh cử của mình.
Marcos Jr lần đầu tiên chuyển đến sống tại Dinh Tổng thống khi mới 8 tuổi, sau đó nhanh chóng dấn thân vào chính trị.

Ông đã có thời gian học tập ở Đại học Oxford và trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania (Mỹ), nhưng đều không thể tốt nghiệp cả hai trường, trước khi trở về Philippines làm Thống đốc tỉnh Ilocos Norte - quê hương của gia đình ông - vào năm 1983, ở tuổi 26. Chỉ 3 năm sau, khi hàng triệu người dân phẫn nộ xuống đường biểu tình ở thủ đô Manila, ông bỏ sang Mỹ cùng cha mẹ. Gia đình Marcos bị cáo buộc đã chạy trốn trên một chuyến bay với nhiều kim cương, vàng miếng, đồ trang sức và hàng triệu USD tiền mặt.

Theo Bloomberg, tài sản của gia đình Marcos được cho bao gồm một tòa nhà ở Phố Wall (Mỹ), nhiều bức tranh của các danh họa Michelangelo hay Van Gogh, và hơn 600 triệu USD được cất giữ trong các ngân hàng Thụy Sĩ. Trong khi khoảng 3 tỷ USD đã được thu hồi kể từ khi ông Ferdinand Marcos đưa gia đình mình bỏ trốn khỏi đất nước vào năm 1986, khoảng hai chục vụ kiện vẫn đang chờ xử lý để đòi thêm 2 tỷ USD thất thoát khác.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm 9/5, ông Marcos Jr đã cam kết tạo việc làm, giảm gánh nặng về thuế, xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút nhiều khách du lịch hơn đến Philippines nếu ông đắc cử. Đáng chú ý, ông đã lên kế hoạch đại tu Ủy ban Tổng thống - cơ quan được thành lập chỉ vài ngày sau khi gia đình Marcos bỏ trốn ra nước ngoài.

Lệnh hành pháp đầu tiên của nhà lãnh đạo kế nhiệm ông Ferdinand Marcos - cựu Tổng thống Corazon Aquino - là thành lập Ủy ban Tổng thống về Chính phủ để tịch thu những của cải quốc gia đã bị thất thoát. Cơ quan này đã thu giữ nhiều tài sản và bất động sản thuộc về gia đình cũng như thân tín của ông Ferdinand Marcos, bao gồm cả cổ phần trong Tập đoàn San Miguel - một trong những nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới.

“Không chỉ chúng tôi (gia đình Marcos), các nhà điều tra nên truy xét tất cả mọi người” - Marcos Jr nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN - “Bởi vì chúng ta đang ở một thời kỳ khác. Vấn đề hiện nay là tình trạng tham nhũng trong Chính phủ”.

Cá nhân Marcos Jr. không có tài sản nào bị tịch thu, và ông đã trở thành người thừa kế tài sản của gia đình sau cái chết của bố mình vào năm 1989. Ông cũng đã nộp đơn khởi kiện và xuất hiện với tư cách nhân chứng trong một số trường hợp trước một tòa án đặc biệt xử lý các vụ án tham nhũng liên quan đến gia đình Marcos. Ông trở lại Philippines vào năm 1991 và nhanh chóng giành được một ghế trong Hạ viện.

“Tôi không thể dành cả cuộc đời mình để sống trong quá khứ, và tôi chắc chắn sẽ không làm vậy” - Bloomberg dẫn lại một phát biểu của Marcos Jr. vào năm 1993, khi ông từ chối truy lại những khoản tiền mà gia đình ông bị cáo buộc bòn rút của quốc gia.

Thách thức và cơ hội

Vì quyết định cuối cùng đối với mọi đề xuất của Ủy ban Tổng thống sẽ thuộc về Tổng thống đương nhiệm, nhiều người lo ngại ông Marcos Jr. có thể bác bỏ các vụ kiện chống lại gia đình mình, hoặc thậm chí giải tán cơ quan này, một khi trở thành nhà lãnh đạo của Philippines.

“Tôi lấy làm tiếc cho người đứng đầu cơ quan thuế tiếp theo” - Kim Jacinto-Henares, cựu lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ thu nội địa Philippines giai đoạn 2010 - 2016, nói với Bloomberg - “Nếu Marcos Jr. đắc cử, làm sao có thể bảo người dân đóng thuế nếu nhà nước không thể thu hồi được các khoản nợ của chính Tổng thống?”.

Bên cạnh số tài sản bị thất thoát, Marcos Jr. hiện còn phải đối mặt với hóa đơn thuế bất động sản trị giá 4 tỷ USD, khi người mẹ 92 tuổi của ông Imelda Marcos vẫn đang kháng cáo một bản án kép tại Tòa án Tối cao Philippines. Cá nhân Marcos Jr. cũng đang đối mặt với một khoản phạt 354 triệu USD vì cáo buộc “khinh thường tòa án” ở Mỹ, sau khi ông không tuân thủ các phán quyết về việc giải ngân tài sản của gia đình. Điều này được cho có thể khiến ông bị bắt giam nếu đi đến Mỹ. Nhìn chung, các cuộc chiến pháp lý cá nhân của Marcos Jr. đặt ra loạt lo ngại về xung đột lợi ích nếu ông trở thành Tổng thống.

Việc quản lý tài chính yếu kém dưới thời “Marcos cha” cũng là một bất lợi về tín nhiệm đối với ông Marcos Jr.: Lạm phát ở mức hai con số; mất khả năng trả nợ nước ngoài, dẫn đến cuộc suy thoái tồi tệ nhất của một Philippines từng là nền kinh tế đứng thứ 2 châu Á sau Thế chiến II. Trong khi Philippines đã cố gắng duy trì xếp hạng tín dụng đầu tư kể từ năm 2013, thế giới hiện đang trong tình trạng bấp bênh hậu đại dịch: Lạm phát cao, kết hợp với hệ quả từ cuộc chiến Nga - Ukraine, đang đè nặng lên mọi nền kinh tế, đặc biệt là các nước không thực hiện kỷ luật tài khóa.

Và mặc dù Marcos Jr. được đánh giá là một chính trị gia “thân Mỹ” hơn Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte - người đã có thiên hướng đưa Philippines gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga, các vụ kiện pháp lý của Marcos Jr. được cho có nguy cơ làm phức tạp mối quan hệ với Washington. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra ranh giới tương đối rõ ràng giữa các nền dân chủ và các chế độ mà Mỹ cho là “chuyên quyền”, khi nước này tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời Ronald Mendoza, cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Liên Hợp quốc, đánh giá: “Việc giới đầu tư và nhà phân tích lo ngại về loại hình quản trị nhà nước nào mà một chính quyền Marcos 2.0 sẽ thúc đẩy là điều dễ hiểu”. Thực tế, ông Marcos Jr đã tránh các cuộc tranh luận công khai trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu, với lý do rằng ông muốn trao đổi trực tiếp với công chúng. Văn phòng của ông cũng từ chối trả lời các câu hỏi về các hóa đơn thuế của Marcos Jr., cũng như cách ông sẽ điều hành đất nước nếu thắng cử.

“Hãy để các tòa án làm công việc của họ” - Marcos Jr. nói với CNN hồi cuối tháng 4 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi mà ông đồng ý thực hiện trong chiến dịch tranh cử.

Đối với những người ủng hộ Marcos Jr., những tuyên bố tham nhũng chống lại ông là bịa đặt, phóng đại hoặc không liên quan. Bloomberg dẫn lời Lisa, chủ sở hữu một quán ăn ven đường ở phía Bắc Manila, nói rằng cô tin rằng Marcos Jr. sẽ chứng minh được ông khác với người bố của mình: “Và đây là cơ hội để họ (gia đình Marcos) trả lại món nợ với đất nước”.

 

"Tôi không thể dành cả cuộc đời mình để sống trong quá khứ, và tôi chắc chắn sẽ không làm vậy." -  Ferdinand Marcos Jr., 1993