Mark Zuckerberg thách thức cả Apple lẫn Google

Chia sẻ Zalo

Tại hội nghị dành cho các nhà phát triển Facebook F8, Mark Zuckerberg cho thấy ông hướng đến nhiều...

Tại hội nghị dành cho các nhà phát triển Facebook F8, Mark Zuckerberg cho thấy ông hướng đến nhiều mục tiêu lớn và có ảnh hưởng sâu sắc tới cục diện của cán cân công nghệ trên thế giới hơn là chỉ một vài tính năng mới của Facebook hay Messenger.

Từ các tính năng mới...

Trong hội nghị dành cho các nhà phát triển F8, Facebook cuối cùng đã cho ra mắt một nền tảng thực sự của tính năng Messenger, cho phép các nhà phát triển xây dựng tính năng, và đặc biệt là chatbot - một hệ thống tự động trả lời dựa trên trí tuệ nhân tạo AI. Ý tưởng về chatbot được nhiều ngôi sao trong làng công nghệ như CEO Satya Nadella của Microsoft và CEO Phil Libin của Evernote vỗ tay tán thưởng, như là một bước tiến mới trong lĩnh vực chung.
Mark Zuckerberg thách thức cả Apple lẫn Google - Ảnh 1
...đến nhát cắn dành cho các đại gia

Tuy nhiên thay vì đi theo bước chân của Microsoft, và biến charbot như một công cụ chuyển đổi cho những trải nghiệm trong tương lai, thì CEO Mark Zuckerberg lại sử dụng phương thức thanh toán cho chúng, tức là sẽ gần gũi hơn với các doanh nghiệp và thao tác đi mua sắm của người dùng. Thậm chí, sẽ có cả một giao diện giống như cửa hàng app store, liệt kê các dịch vụ chatbot sẵn có để người dùng lựa chọn.

Điều đáng nói là nền tảng Messenger mà Facebook đang cố gắng xây dựng có thể sẽ hoạt động chính xác như một hệ điều hành thu nhỏ. Thậm chí CEO Libin đã gọi chatbot như một điểm nhấn "đột phá" kể từ sau sự ra mắt của iPhone.

Theo đó, Facebook cần phải vô cùng cẩn thận bởi cách mà họ quảng bá cho nền tảng Messenger có thể khiến họ đánh mất sự tín nhiệm từ cả Apple lẫn Google. Mối quan hệ này từ lâu đã được xác định rõ: Facebook cần Apple và Google, bởi những chiếc iPhone và điện thoại chạy Android là những nhân tố chính giúp Messenger tăng trưởng, và điều này vẫn sẽ xảy ra ngay cả khi họ là những đối thủ của nhau.

Nên nhớ rằng điểm cốt lõi khiến cho iPhone thành công và phổ biến đến vậy chính là cửa hàng App Store. Điều dễ nhận thấy là các ứng dụng trên App Store từ trước đến nay luôn có được sự đa dạng, và là ưu tiên của các nhà phát triển ứng dụng hơn rất nhiều so với Play Store trên Android và Windows Store của Windows. Hiện nay, Apple nhận được khoảng cắt 30% đến từ các giao dịch mua ứng dụng trên cửa hàng App Store.

Chatbot của Facebook nếu như hoạt động như đúng những gì mà chúng ta nhận thấy tại hội nghị F8 - tức giống như một con đường thay thế cho người dùng và các nhà phát triển, có nguy cơ sẽ trở thành chiếc "thòng lọng" cho Apple, cũng như sẽ có tác động nhất định tới Google trong chính thế giới ứng dụng, hay thậm chí là trên chính thị trường điện thoại thông minh của họ.

Chính thức tiến sang sân chơi của Google

Trong nội dung buổi hội nghị F8, Facebook cũng cho ra mắt tính năng cho phép lấy mã nhúng các video được chia sẻ trên mạng xã hội để sử dụng trên các trang web khác. Điều này có thể ảnh hưởng sâu sắc tới mối quan hệ của Facebook và Google vốn đã không được tốt đẹp khi mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn "nhăm nhe" đánh cắp thị phần chia sẻ video của YouTube, vốn là niềm tự hào của gã khổng lồ Google.

Chưa hết, Facebook còn cho biết sẽ triển khai các dịch vụ streaming video và quảng cáo kiếm tiền dựa vào hình thức cho phép chia sẻ mã nhúng này. Với ước tính hơn 1,6 tỷ người dùng Facebook như hiện nay, liệu rằng Mark đã sẵn sàng "chơi bài ngửa" để giành giật một số tiền không hề nhỏ từ tay gã khổng Google?

Mark Zuckerberg chỉ trích Donald Trump

Trong bài phát biểu của mình tại F8, vị CEO của Facebook đã không ngần ngại mà kịch liệt phản đối kế hoạch xây dựng bức tường giữa Mỹ và Mexico. Dù không chỉ đích danh đối tượng, nhưng có lẽ ai cũng hiểu rằng người mà Mark muốn nhắm đến chính là ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump - người đi đầu với ý tưởng hạn chế người nhập cư vào nước Mỹ.

"Khi tôi đi du lịch và nhìn quanh thế giới, tôi thấy được sự sợ hãi lan truyền trong những quốc gia hướng nội, với chủ trương đi ngược lại ý tưởng về một thế giới được kết nối, và một cộng đồng toàn cầu. Tôi nghe được những tiếng khóc sợ hãi trước lời kêu gọi xây dựng bức tường chắn giữa các quốc gia, để họ buộc phải giữ khoảng cách với các khu vực trên thế giới, chặn mọi sự tự do ngôn luận, làm chậm quá trình nhập cư, làm thương mại đi xuống, và thậm chí làm ảnh hưởng cả tới Internet. Thay vì xây bức tường, chúng ta nên xây cầu", ông chủ của Facebook phát biểu tại hội nghị F8.

CEO Mark Zuckerberg cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay việc hạn chế nhập cư, hạn chế việc thu hút nhân lực từ khắp nơi là điều đi ngược lại xu thế. Theo ông, những người nhập cư từ nhiều nền văn hóa khác nhau chính là chìa khóa của tri thức nhân loại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần