Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Masan High-Tech Materials: Hỗ trợ nông dân sản xuất chè theo hướng VietGAP

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017- 2020”, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt chất lượng an toàn sản phẩm cho 100% diện tích chè trong quy hoạch sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ.

Để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ chè, trong những năm gần đây, tỉnh đang quan tâm đầu tư, sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, đạt chuẩn Organic, áp dụng quy trình VietGAP. Từ đó, tạo ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Nhằm góp phần xây dựng thương hiệu chè Đại Từ và giúp người dân có thể làm giàu được nhờ cây chè, từ năm 2007, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) đã mời các tư vấn kỹ thuật nổi tiếng chuyên về cây chè hướng dẫn người dân “Canh tác chè theo hướng bền vững”. 
Tính đến nay, mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Núi Pháo - doanh nghiệp do Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (MHT) sở hữu 100% vốn - đã mang lại cho người dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên một tư duy mới về phương thức sản xuất chè theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.
 Cán bộ Công ty Masan High – Tech Materials khảo sát mô hình thâm canh chè an toàn vay vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo thống kê của huyện Đại Từ, tính đến nay, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP mà Công ty Núi Pháo hỗ trợ là 91ha cho gần 400 hộ dân thuộc 14 tổ hợp tác, chiếm 21% tổng diện tích chè toàn huyện. Đại Từ là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh và đứng thứ 2 so với các huyện trồng chè trên cả nước.
Tuy thực hành nông nghiệp theo hướng an toàn VietGAP vẫn tiếp tục nhận được nhiều nguồn lực của chính quyền và các ngành chức năng, các sản phẩm nông nghiệp VietGAP đã có phần trở nên kém ưu thế cạnh tranh trong mắt khách hàng, những người đang ngày càng trở nên khắt khe hơn về thực phẩm sạch. Do vậy, thay vì tiếp tục đầu tư hỗ trợ địa phương mở rộng diện tích chè VietGAP, Công ty Núi Pháo đã nỗ lực kết nối các đơn vị nhà nước, tư nhân, nông dân và các nhà khoa học để đạt được một cam kết chung về phát triển mô hình chè hữu cơ tại xóm 10 xã Tân Linh.
Các bên tham gia gồm có trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, chính quyền xã Tân Linh, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đại Từ, Công ty CP chè Hà Thái, Công ty CP chè NTEA Thái Nguyên, Công ty Núi Pháo và 50 hộ dân ở xóm 10 Tân Linh. Các bên cam kết đóng góp nguồn lực, kiến thức, khoa học kỹ thuật để chuyển đổi 10 ha chè xóm 10 Tân Linh thành vùng chè hữu cơ. Công ty Núi Pháo không chỉ kết nối các bên mà còn thực hiện các cuộc họp tham vấn, khảo sát thực địa, đánh giá nhu cầu và thăm quan thực tế các mô hình thành công tại huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương. Dự án được triển khai trong 3 năm (2019-2021) và không chỉ tạo ra vùng nguyên liệu chè hữu cơ lớn nhất tỉnh Thái Nguyên mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững và an toàn hơn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Hộ gia đình ông Đặng Xuân Kình – xóm 9, xã Tân Linh, huyện Đại Từ đã làm nghề trồng chè được hơn 20 năm. Năm 2017 ông bắt đầu tham gia tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP và vay vốn từ Quỹ Phục hồi kinh tế của Công ty Núi Pháo (50 triệu đồng) để mở rộng diện tích trồng chè lên 60%. Bên cạnh đó, ông còn tham gia chuyến thăm quan mô hình trồng chè hữu cơ ở xã La Bằng.
Hiện nay, với 2ha chè vào mùa cao điểm, gia đình ông tạo công ăn việc làm từ 4 đến 10 lao động địa phương. Ông Kình chia sẻ: Mặc dù đã làm chè từ lâu nhưng sau khi tham gia tổ hợp tác chè VietGAP và tham quan mô hình chè hữu cơ, tôi đã mở rộng kiến thức sản xuất canh tác chè và quyết tâm theo đuổi phương pháp sản xuất chè sạch và chè an toàn. Tôi hi vọng Công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách kết nối chúng tôi với các chuyên gia tư vấn kỹ thuật và doanh nghiệp để chúng tôi có thể triển khai sản xuất chè hữu cơ, không chỉ vì sức khỏe của gia đình mà còn vì sức khỏe của khách hàng và sự bền vững của nghề làm chè”.
 Cán bộ Công ty Núi Pháo khảo sát mô hình thâm canh chè an toàn vay vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế
Hộ gia đình ông Nguyễn Đình Chương – xóm 7, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ tâm sự: “Gia đình tôi có diện tích trồng chè là 0,4ha, tham gia tổ hợp tác chè VietGAP, Công ty Núi Pháo đã hỗ trợ đồng hành cùng gia đình tôi các hoạt động như: Tập huấn kỹ thuật chăm sóc và chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP; tham quan học tập mô hình tại các địa phương khác như Tân Cương, Đồng Hỷ; hỗ trợ phí kiểm định mẫu đất/ mẫu nước/mẫu chè tươi; hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất và kinh phí mua tôn sao chè inox; sử dụng sản phẩm chè khô dùng cho cán bộ, nhân viên Công ty… Giá chè đã tăng khoảng 5 - 10% so với phương thức canh tác truyền thống trước đây, thu nhập bình quân của gia đình tôi vào khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.”
Thông qua trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên là đơn vị chủ quản hỗ trợ mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ xuyên suốt trong 3 năm với kinh phí khoảng 2,1 tỷ đồng (hỗ trợ phân bón, tập huấn, cấp chứng nhận chè hữu cơ). Năm 2019, Công ty Núi Pháo phối hợp với các đơn vị hỗ trợ vận hành trong giai đoạn thành lập (tổ chức các buổi tập huấn, tham quan học tập, làm việc với các cơ quan nhà nước về việc thành lập HTX. Năm 2020, Công ty triển khai thực hiện hỗ trợ về cơ sở vật chất như khung lưới che mát cho chè, ống tưới tiết kiệm và một phần phân bón, cơ sở vật chất ...
Bên cạnh đó, Công ty chủ động phối hợp với các đơn vị hỗ trợ hoàn thiện các văn bản thủ tục liên quan đến quyền lợi người sản xuất như: biên bản thỏa thuận các bên tham gia, biên bản liên quan đến quyền lợi người sản xuất và các cam kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm để người dân an tâm sản xuất chè hữu cơ.