Mất 10% lương hưu vì... sinh sau 1 ngày

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với người lao động (NLĐ) có sự thay đổi theo chiều hướng tăng số năm điều kiện, đặc biệt với lao động nữ, tỷ lệ phần trăm lương hưu mỗi năm giảm từ 3% xuống 2%.

Các chuyên gia cho rằng, điều này không ảnh hưởng lớn, nhưng với NLĐ dù giảm ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến “miếng cơm, manh áo”.
Tỷ lệ hưởng lương hưu giảm
Từ 1/1/2018, tiền lương hưu của cả nam và nữ đều giảm sút một phần do nam phải đạt 31 năm công tác thì mới được 75%; còn đối với nữ, nếu như trước năm 2018, sau 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng 45%, sau đó cứ mỗi năm tham gia BHXH được cộng thêm 3%, nhưng bắt đầu từ 2018 chỉ còn 2%. Như vậy, giả sử một lao động nữ sinh ngày 31/12/1962 thì thời điểm về hưu là 31/12/2017, đối chiếu theo quy định cũ thì mức lương hưu người này được hưởng là 75%.

Giải quyết thủ tục cho người dân tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, với lao động nữ sinh ngày 1/1/1963 (sau chỉ 1 ngày) thì thời điểm nghỉ hưu là 1/1/2018, đồng nghĩa rằng, lương hưu của lao động này được tính theo quy định mới và chỉ còn 65%. Cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến NLĐ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phân tích, bù lại với mức giảm thì mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tăng lên liên tục trong nhiều năm qua. Cụ thể, khu vực Nhà nước sau 22 năm từ 1995 - 2017 đã điều chỉnh lương tối thiểu chung (lương cơ sở) 15 lần, tăng 10,83 lần (từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng); khu vực ngoài Nhà nước, sau 10 năm từ 2008 - 2017 đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo 4 vùng 10 lần. Trong đó, vùng 4 tăng 4 lần (từ 650.000 lên 2,58 triệu đồng), vùng 1 tăng 4,7 lần (từ 800.000 lên 3,75 triệu đồng). Đây là cơ sở để bù đắp mức lương hưu do giảm trừ tỷ lệ từ năm 2018. “Thực ra lương hưu về tỷ lệ hưởng có giảm sút, nhưng sự giảm sút này nếu chúng ta thực hiện tốt và đồng bộ chính sách về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thì đương nhiên vấn đề này hoàn toàn được khắc phục” – ông Lợi nhấn mạnh.
Thiệt cho lao động nữ?
Chị Trần Thị Bảo (Đại Từ, Thái Nguyên) cho biết, chị sinh ngày 11/12/1963, có 25 năm công tác. Vì sợ mất 10% lương hưu, nên chị đã chọn nghỉ theo chế độ cổ phần, khi nghỉ chỉ nhận được 3,7 triệu đồng/tháng, trong khi đi làm thu nhập 10 triệu đồng/tháng: “Được mấy chục triệu nghỉ theo cổ phần chẳng bù lại được thiệt thòi. Nếu cách tính lương không thay đổi tới khi nghỉ hưu, lương hưu cũng phải được 4,5 triệu đồng/tháng. Nghỉ được gần 2 tháng nay mà thấy ấm ức không biết chia sẻ điều này với ai. Chính sách này quá thiệt thòi cho lao động nữ”.
Chị Nguyễn Minh Hằng (Phú Xuyên, Hà Nội) – một trong những trường hợp nghỉ hưu sau 1/1/2018 tâm sự: Nhiều lao động nữ ở công ty chị cũng rơi vào trường hợp này. Vậy nên mới có chuyện nhiều người xin nhận trợ cấp một lần.
Hơn 2 tháng nữa, chính sách mới này sẽ có hiệu lực, đông đảo lao động nữ mong muốn các cơ quan chức năng sẽ có điều chỉnh, cơ chế hợp lý để không bị thiệt thòi. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên có lộ trình nâng dần mức "sàn" số năm được hưởng mức sàn lương tối thiểu, ít nhất cũng giống như nam giới. Và việc này phải thực hiện đồng bộ với việc nâng tuổi hưu của lao động nữ.
Theo quy định cũ tính ra tỷ lệ hưởng lương của nam là 2,5%/năm đóng BHXH, nữ 3%/năm. Trong khi trung bình của các nước tỷ lệ hưởng có 1,7%. Như vậy, thay đổi công thức tính là một xu thế tất yếu vừa để hoàn thiện chính sách pháp luật, vừa để hướng tới đảm bảo nguyên lý thực hiện chính sách BHXH.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn