KTĐT - Không chỉ kính thời trang, các loại kính thuốc cũng thật giả khó lường. Các shop kính thuốc ở Hà Nội mọc lên nhằng nhịt.
Không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, các cửa hàng mắt kính lớn và bãi kính vỉa hè nhan nhản mọc lên tại Hà Nội.
So với các loại kính sản xuất theo kiểu hợp tác xã được bày bán tràn lan tại mép đường, các cửa hàng kinh doanh kính có vẻ lịch sự và chuyên môn hơn. Các nhân viên tại đây đều khẳng định hàng của mình xịn. Họ ra sức khám, kết luận, tư vấn để “chặt chém” khách hàng.
Chủ yếu là hàng Trung Quốc
Hầu như phố nào cũng có hiệu kính mọc lên. Trong đó, mặt hàng kính mắt thời trang là đa dạng nhất. Khách dễ dàng mua được những sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Armani, Hugo Boss, Versace... tại các cửa hàng kính lớn và các “chiếu kính” trên vỉa hè. Nhiều shop kính “hàng hiệu” lập lờ đánh lận con đen với vỏ ngoài hộp, khăn lau in thương hiệu, logo nhà sản xuất và giấy bảo hành sản phẩm của nơi bán. Tuy thế, không thể chúng minh chất lượng ra sao. Khách mua thì chỉ dựa vào cảm tính như: khung gọng chắc chắn, bản lề nhạy, chuyển động dễ dàng, ốc hãm cố định… để thẩm định chất lượng và trả giá.
Hàng nhái đặc biệt thường có ở các thương hiệu trung và cao cấp như: Gucci, Aramni, Rayban, Hugo Boss… mà nơi bán gọi là hàng “xách tay” có giá rẻ hơn chính hãng đến 50 - 70%. Mua phải loại hàng này, người tiêu dùng đúng là tiền mất, tật mang.
Anh Đ.Xuân, chủ một shop kính thời trang, tiết lộ: “Kính tại các shop tại Hà Nội đa số là hàng từ các làng thủ công trong nước và nhập từ Trung Quốc về có giá gốc khá “mềm”. Tại nhiều shop kính, loại kính thời trang thông thường giá tối đa chỉ 200.000 - 400.000 đồng; còn hàng nhái cao cấp giá lên đến vài triệu đồng.
Cẩn thận với ma trận kính thuốc
Không chỉ kính thời trang, các loại kính thuốc cũng thật giả khó lường. Các shop kính thuốc ở Hà Nội mọc lên nhằng nhịt. Giá cả và chủng loại khá đa dạng. Nhiều shop kính cao cấp có trang bị máy đo mắt hiện đại như: Nidek (Nhật), Topkon (Mỹ) hay Huvitz (Hàn Quốc), mỗi nơi cho một kết quả đo và giá kính thuốc cũng rất khác nhau. Cầm kết quả đo tại một cửa hiệu kính thuốc trên đường Lê Duẩn, sang một vài cửa hàng khác trên đường Bà Triệu thì kết quả lại hoàn toàn khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, trước khi thấy thị lực giảm, việc đầu tiên là phải đến các chuyên khoa, bệnh viện mắt để khám. Việc đeo kính phải tuân thủ theo đơn của bác sĩ và nên mua tại các cửa hàng kính thuốc của bệnh viện hay nơi có uy tín. Hàng đảm bảo chất lượng phải đúng độ theo yêu cầu (độ cầu cận, viễn và loạn thị); đảm bảo sự trong suốt; không có những gợn sóng bề mặt và có nguồn gốc rõ ràng. Nếu dùng hàng kém chất lượng sẽ làm nhức và mỏi mắt, gây mệt mỏi.
Hậu quả có thể là lé và nhược thị, một khi bị nhược thị thì dù đeo kính có độ vẫn không nhìn rõ hơn. Như trường hợp một bệnh nhân từ Thạch Thất, Hà Nội, khi nhập viện mắt trong tình trạng thị lực giảm nghiêm trọng, các bác sĩ khi khám phát hiện đôi mắt kính cận thị là loại kính dỏm. Bệnh nhân này mua ở một hiệu kính thuốc tại Hà Nội.
Mặc dù cơ quan chức năng áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng cũng giống như nhiều mặt hàng khác, kính giả, kính nhái vẫn ồ ạt tung ra thị trường.