Đây không phải là lần đầu tiên Italia lâm vào tình thế nguy hiểm sau bầu cử. Quốc gia Nam Âu này đã trải qua nhiều thập kỷ bất ổn trước khi tìm thấy lối thoát cho các kịch bản tương tự như hiện nay, tuy nhiên, những bài học từ quá khứ dường như là chưa đủ để phá thể bế tắc hiện nay.
Cục diện chính trường Italia chỉ có thể được giải quyết theo hai kịch bản, mà các chuyên gia dự báo trước là dù theo hướng nào, nền kinh tế của nước này cũng phải chịu tổn thương. Kịch bản đầu tiên là một Chính phủ liên minh giữa nhà lãnh đạo trung tả Pier Luigi Bersani và diễn viên hài Grillo - người thành lập đảng M5S.
Nhà lãnh đạo trung tả Pier Luigi Bersani thất vọng với kết quả bầu cử. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, liên minh này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do chỉ chiếm đa số ghế trong Hạ viện nhưng lại không có quyền kiểm soát Thượng viện. Kịch bản thứ hai là sự xuất hiện của liên minh giữa ông Bersani và những người đối lập cánh tả với trung tâm quyền lực là cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.
Liên minh này sẽ kiểm soát đầy đủ quyền lực của lưỡng viện Quốc hội và có khả năng chống chọi lại sự tấn công của các đảng phái đối lập. Tuy nhiên, các tuyên bố của ông Grillo những ngày qua đã đặt dấu chấm hết cho kịch bản đầu tiên và nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ xuất hiện một sự hợp tác kỳ lạ giữa đảng Dân chủ - đảng Nhân dân tự do, hai lực lượng từng là đối thủ không đội trời chung của nhau.
Điều đáng nói, không ai dám chắc liên minh này có thể tồn tại được trong thời gian bao lâu vì ông Berlusconi, người đã vượt qua những bê bối cá nhân và hoàn thành một cuộc "lội ngược dòng" ngoạn mục để trở lại chính trường chắc chắn sẽ không dễ dàng từ bỏ tham vọng trở thành người đứng đầu Chính phủ Italia.
Từ nay đến ngày 15/3, thời điểm mà Tổng thống Giorgio Napolitano tiến hành những phiên tham vấn với các chính trị gia để thành lập một Chính phủ hợp hiến, chính trường Italia sẽ chứng kiến nhiều diễn biến bất thường mới. Tuy nhiên, nếu các bên không thể thành lập được Chính phủ trước khi Tổng thống Napolitano kết thúc nhiệm kỳ vào tháng tới, quốc gia Nam Âu này sẽ giống như một con tàu không có thuyền trưởng. Và hậu quả là con tàu Italia có thể bị mất lái trong cơn bão nợ công, chệch hướng tăng trưởng và tiếp tục chìm vào vùng suy giảm kinh tế.