“Mặt nạ da người”: Một góc nhìn nghề báo
Thật và giả
"Mặt nạ da người" là bộ phim hòa trộn, đan cài giữa thể loại chính luận và giải trí với tiết tấu nhanh về cuộc chiến không khoan nhượng giữa thật và giả, thiện và ác trong chính mỗi con người. Bộ phim như một bức tranh sinh động và chân thực về cuộc sống, nơi mà tưởng như bóng tối, cái ác… đang chiếm ưu thế. Ở đó, có nhiều nhân vật "đeo mặt nạ", để "lẩn khuất" phía sau những bóng tối và tội ác. Tuy nhiên, vẫn còn đó những con người dũng cảm, trong sáng, sẵn sàng đối mặt với thử thách, khó khăn. Vẫn còn những con người dám hy sinh cuộc sống và hạnh phúc của mình, đi qua những con đường tối tăm để đến với miền ánh sáng.
Với cách nhìn xã hội thực tế và sinh động, "Mặt nạ da người" là câu chuyện về nghề báo khác với những gì mà người ta vẫn thường tưởng tượng, một nghề luôn phải đối mặt với những hiểm nguy, áp lực… Trong phim, hình ảnh các nhà báo được xây dựng theo những đặc trưng của nghề. Trong khi nhà báo Phong hy sinh dưới bàn tay của xã hội "đen"; Lâm, Ngọc bị đánh đập, tra tấn dã man vì dám đi sâu tìm hiểu việc làm của các thế lực hắc ám... thì ngài Tổng biên tập - một cây bút lừng lẫy được cả xã hội ngưỡng mộ - lại khiến mọi người sững sờ vì những hành động gây đau khổ cho người khác.
Trong một xã hội đầy "cạm bẫy" như hiện nay, "Mặt nạ da người" có tính giáo dục rất lớn.
Người làm phim nghĩ về nhà báo
Phải mất 7 tháng, đoàn làm phim "Mặt nạ da người" mới có thể hoàn thành tác phẩm. Trong khoảng thời gian đó, họ đã có những suy nghĩ, chiêm nghiệm về những người cầm bút. Đạo diễn Mai Hồng Phong tâm sự: "Những nhà báo chân chính, đặc biệt là những người viết phóng sự điều tra ngoài sự dấn thân, dũng cảm, họ cần giả vờ, cải trang để tìm hiểu những điều ẩn khuất trong bóng tối và hạn chế tối đa những âm mưu hiểm ác của thế lực "đen". Họ có công rất lớn trong việc cùng với các cơ quan điều tra, cơ quan chức năng phát hiện và phá các vụ án. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng truyền "lửa" cho các diễn viên để họ thể hiện hình ảnh nhà báo chân thực nhất".
Khác với đạo diễn Mai Hồng Phong, Hoa hậu thân thiện 2008 Đậu Thị Hồng Phúc chưa hiểu nhiều về nghề này, trước khi vào vai Ngọc, một nhà báo trẻ. Cô chia sẻ: Trước khi nhận vai diễn tôi tưởng tượng nhà báo là những người khô khan, cứ đi rồi viết, chỉ có như thế. Nhưng khi diễn chính thức, nghiêm túc tôi đã hiểu thêm nhiều về nghề. Nhân vật Ngọc lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống, luôn dũng cảm, dấn thân vào hang ổ của tội phạm. Cô không ngại điều gì, chỉ mong muốn tìm ra được sự thật. 7 tháng trong vai một nhà báo chân chính, tôi đã sống có trách nhiệm hơn, bớt ích kỷ, bảo thủ. Và thực sự hụt hẫng khi không được là Ngọc nữa".