Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính chất toàn cầu, được cả thế giới quan tâm.
Trong gần 8 năm qua, kể từ sau Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức vào tháng 12/2015, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả những nội dung, mục tiêu giải pháp trong "Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP với Sở TN&MT và các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020", giai đoạn 2020 - 2025.
Qua đó, đã có 3.491 mô hình, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trong toàn TP, nổi bật như các phong trào: "Giáo xứ, cơ sở thờ tự xanh, sạch, đẹp”; "Cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường"; "Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo"; "Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự"; "Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hàng tuần"; "Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa", tín đồ Phật tử Thủ đô nói không với bếp than tổ ong...
Những phong trào nêu trên đã tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, góp phần vào nỗ lực quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị trong việc chặn đà suy giảm, dần cải thiện, phục hồi các chỉ số thành phần chất lượng môi trường; chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung mong muốn các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; trang bị kiến thức, tri thức, kinh nghiệm. Tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, cộng đồng Phật tử, tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền.
Trong đó, cần chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phục vụ tái chế, tái sử dụng; hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy. Đồng thời, lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống văn hóa bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư, vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội.
Vận động, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự.
Hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới và tháng hành động vì môi trường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề nghị các cấp chính quyền đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế công dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tích cực cùng chung tay hành động để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan toả lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững.
Tại Lễ phát động, để động viên tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập, Ni trưởng Thích Đàm Khoa, Trụ trì chùa Trăm Gian đã trao 15 suất quà cho các học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Các đại biểu đã tham dự lễ ra quân bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tại Khu di tích chùa Trăm Gian.