Mẫu mã song hành cùng chất lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các DN bán lẻ...

Kinhtedothi - Để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các DN bán lẻ còn đòi hỏi DN sản xuất phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, bởi đây là yếu tố quyết định thành công cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chưa chú trọng cải tiến

Theo Ban Chỉ đạo CVĐ, dự kiến đến năm 2020, hàng Việt chiếm 80% thị phần các kênh phân phối truyền thống. Mặc dù kế hoạch đã lên nhưng thực tế hoạt động đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng trong thời gian qua cho thấy, hiện hàng Việt Nam mặc dù chất lượng tốt nhưng chưa chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm. Trong khi hàng nhập ngoại do đa dạng mẫu mã nên đang có nhiều ưu thế trên thị trường nông thôn rộng lớn.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại phiên chợ Việt ở huyện Ba Vì.	 Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại phiên chợ Việt ở huyện Ba Vì. Ảnh: Hoài Nam
Thực trạng này có phần nguyên nhân không nhỏ do hoạt động phối hợp giữa DN với Ban Chỉ đạo CVĐ trong việc tuyên truyền chưa chặt chẽ, nên DN trong quá trình triển khai CVĐ quá tập trung vào hoạt động kích cầu tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, việc đẩy mạnh đầu tư cho cải tiến mẫu mã sản phẩm ít được quan tâm, dẫn đến khó cạnh tranh với hàng ngoại. Thậm chí không ít DN vẫn còn tư tưởng “bao cấp”, chạy theo cơ chế “xin - cho” nên không chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ…

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam phân trần: Không phải DN nội không muốn cải tiến mẫu mã nhưng do vốn ít hoặc phải vay với lãi suất cao, trên 10%/năm nên đa phần DN thường chọn cách nâng cấp sản phẩm cũ mà không dám đầu tư vào sản phẩm mới do chi phí đầu tư cao. Nguồn lực tài chính yếu nên DN nhỏ và vừa chỉ tập trung đầu tư vào chất lượng, giá thành sản phẩm, chưa đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm. Thực tế hoạt động sản xuất hàng Việt trong thời gian qua cho thấy, việc các DN nhỏ và vừa thường sao chép mẫu mã của nhau đã làm giảm tính sáng tạo và sự hấp dẫn của từng sản phẩm.

Vai trò của DN sản xuất

Để nâng cao thị phần hàng Việt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược hành động quốc gia "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó nhấn mạnh sẽ hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ hàng Việt.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt là vấn đề cốt lõi. Để làm được điều này phải thúc đẩy các DN sản xuất được hàng hóa “Made in Việt Nam” với chất lượng cao nhất. Việc làm này còn tạo cơ hội cho hàng Việt vươn ra khu vực khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập vào cuối năm 2015. Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng, để CVĐ đi vào cuộc sống, trong thời gian tới cần tập trung vào vai trò của DN sản xuất. “Cùng một chủng loại hàng, nhưng hàng trong nước sản xuất ra chất lượng kém hơn, giá bằng hoặc cao hơn hàng ngoại thì khó có thể vận động được người dân ưu tiên dùng hàng Việt. Điều đó cho thấy cốt lõi của vấn đề là DN sản xuất trong nước phải nâng cao trình độ, ít nhất là bằng với trình độ chung của DN trong khu vực. Đây là yếu tố quan trọng để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh với hàng ngoại nhập và tạo hiệu ứng tích cực vận động được người Việt dùng hàng Việt” - ông Cường khẳng định.

Nhằm hỗ trợ DN quảng bá hàng Việt, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành tổ chức các hình thức vinh danh đối với DN sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; mỗi năm lựa chọn 70 - 100 mặt hàng thương hiệu Việt tiêu biểu để tôn vinh...Thực tế triển khai CVĐ cho thấy, việc kêu gọi DN sản xuất nhiều hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, giá cạnh tranh có thể xem là vấn đề cốt lõi để tăng sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, để kích thích người tiêu dùng trong nước quan tâm và sử dụng hàng Việt nhiều hơn, DN cũng cần quan tâm đến truyền thống, tập quán người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần chú ý biện pháp kiểm soát thị trường để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng thâm nhập vào thị trường nội địa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần