Một số tranh chấp đã được giải quyết ổn thỏa nhưng nhiều “cuộc chiến” giữa chủ đầu tư và người dân vẫn kéo dài dai dẳng. Hệ lụy của các "cuộc chiến" trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chủ đầu tư cũng như cuộc sống của cư dân...
Thời gian gần đây, những mâu thuẫn dẫn đến căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư tòa nhà Hồ Gươm Plaza (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đang gây nhiều chú ý. Nguyên nhân là do tronng quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm nhưng không được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, mới đây chủ đầu tư lại thông báo mức phí dịch vụ mới tạm thu là 5.500 đồng/m2 (tăng 2.000 đồng/m2 so với trước). Khi người dân không chịu đóng mức phí này, chủ đầu tư đã cắt điện nước và khóa thang máy của chung cư. Ngay lập tức, cả trăm cư dân đã tụ tập, giăng băng rôn, khẩu hiệu phản đối việc làm của chủ đầu tư.
Vụ việc tại chung cư Hồ Gơm Plaza chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số cuộc tranh chấp diễn ra tại các chung cư khắp cả nước. Những xung đột giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản trị xảy ra không phân biệt tại khu chung cư bình dân hay cao cấp. Thông thường, những tranh chấp chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: Quỹ bảo trì, sở hữu chung riêng, phí dịch vụ… Song, đằng sau câu chuyện của những tranh chấp liên quan đến quyền lợi này lại là một câu chuyện khác về cách ứng xử giữa các bên có liên quan.
Mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư Tòa nhà Hồ Gươm Plaza đang hết sức căng thẳng
|
Muôn vàn cách ứng xử của chủ đầu tư
Tháng 8 năm 2015, người dân tại chung cư Golden Land (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội do Công ty Cổ phần Thương mại Hưng Việt làm chủ đầu tư) tố chủ đầu tư có nhiều sai phạm trong xây dựng, chất lượng căn hộ, chất lượng về vật tư, vật liệu, các chứng chỉ nghiệm thu PCCC, giảm số lượng thang máy theo thiết kế …
Tại thời điểm đó, khi có những ý kiến phản ánh của cư dân, chủ đầu tư đã có văn bản trả lời các ý kiến và gửi tới từng cư dân. Đồng thời tổ chức ngay hội nghị cư dân vào đầu tháng 10/2015 để giải đáp các vấn đề cư dân phản ánh. Theo đó, chủ đầu tư đã cung cấp các giấy phép xây dựng, phê duyệt về thiết kế, thông tin về số lượng thang máy, cung cấp đầy đủ các chứng chỉ nghiệm thu PCCC... (Cư dân cho rằng không có). Ngoài ra chủ đầu tư cũng công khai quỹ bảo trì của toà nhà và sẵn sàng bàn giao ngay khi Ban Quản trị toà nhà đi vào thành lập. Một số yêu cầu của người dân không có trong hợp đồng như lắp hệ thống thông gió hành lang tạo thông thoáng cho cư dân, lắp bổ sung quạt gió thang máy cho tất cả các thang máy… cũng đã được chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ.
Một trường hợp khác là mâu thuẫn tại khu chung cư cao cấp Thăng Long Number One do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư tại ngã tư Phạm Hùng – Đại lộ Thăng Long, Khi chủ đầu tư thông báo sẽ phá hủy khu vườn cây xanh hiện hữu trước tòa nhà A để phục vụ giai đoạn 3 đã gặp sự phản đối quyết liệt của người dân.
Theo cư dân Thăng Long Number One thì Viglacera có sự mập mờ thông tin của khu sân vườn, khiến nhiều hộ cư dân cho rằng khu vườn này là thuộc khu vực sử dụng chung của cư dân. Lắng nghe các nguyện vọng của cư dân, chủ đầu tư Viglacera đã tổ chức nhiều buổi họp gặp gỡ ban đại diện cư dân để tìm hướng giải quyết. Kết thúc, các bên đã thống nhất và không còn có những tranh cãi thêm nữa.
Song, không phải mâu thuẫn nào cũng được giải quyết như hai trường hợp trên. Nhiều mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân đã không được giải quyết mà đẩy lên đỉnh điểm. Điển hình là tranh chấp về phí bảo trì xảy ra tại tòa nhà KengNam (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) giữa người dân và chủ đầu tư. Sau nhiều lần mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân không được giải quyết, vụ việc đành phải nhờ đến chính quyền địa phương. Chính quyền sau đó đã buộc KengNam phải hoàn trả 160 tỉ đồng tiền phí bảo trì cho cư dân. Tuy nhiên, khi quyết định từ chính quyền, chủ đầu tư vẫn chưa chịu thực hiện nghiêm và không ai khác chính người dân là nạn nhân của vụ việc trên.
Cư dân cũng không vừa
Có một thực tế, chính sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư là nguyên nhân ban đầu gây nên mâu thuẫn. Các tranh chấp thường xuất phát từ những vấn đề liên quan đến việc không đáp ứng được những yêu cầu của người dân, song bên cạnh đó cũng phải kể đến sự thiếu “xây dựng” của một số hộ dân.
Khi khu đô thị mới cũng đòi hỏi ý thức tập thể cộng đồng thì tại nhiều chung cư, trường hợp một số hộ dân vẫn tự ý cơi nới, nuôi thả chó mèo, chây ì đóng phí dịch vụ cũng không phải là không phổ biến. Chưa kể, khi có những vấn đề phát sinh, các hộ dân thường không có thói quen ngồi lại với chủ đầu tư để bàn bạc, ngược lại tự ý có những phản ánh tiêu cực, một chiều… ảnh hưởng đến giá trị cuộc sống của chính tài sản cư dân, ảnh hưởng đến cộng đồng chung. Thậm chí, dù đã có các tranh chấp xảy ra và giải quyết ổn thoả thì đâu đó vẫn có những xung đột nảy sinh.
Theo tìm hiểu của PV, tại dự án Golden Land tại 275 Nguyễn Trãi, mặc dù là dự án cao cấp nhưng chủ đầu tư chỉ thu mức phí dịch vụ là 5.000 đ/m2 thấp hơn so với các dự án tương đương trên địa bàn (từ 8.000 - 10.000 đ/m2) nhưng tới nay vẫn có nhiều cư dân không chịu đóng phí. Ông L.Đ.T – Chủ căn hộ 409 cho biết: “ Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với cách hành xử như vậy của một số người dân. Đã sử dụng dịch vụ thì phải đóng phí, nếu xảy ra tranh chấp thì ảnh hưởng ngay tới chất lượng dịch vụ cho các cư dân khác. Có các tranh chấp, trước hết cũng cần có cách hành xử văn minh, lịch sự mang tính xây dựng”.
Một người dân tại Khu đô thị Đặng Xá đưa xe máy lên phòng bằng thang máy
|
Cần những cách hành xử văn minh
Theo một số chuyên gia pháp lý, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do khách hàng không chịu đọc kỹ các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng mua bán khiến cho thực tế và trên hợp đồng không như mong muốn. Mặt khác, nhiều chủ đầu tư để bán được hàng cũng quảng bá quá lời, một số chủ đầu tư cũng cố tình cắt xén các tiện ích của người dân trong hợp đồng để làm lợi cho mình. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chặt chẽ khiến những tranh chấp đang “nóng” ở nhiều chung cư kéo dài dai dẳng.
Tại một cuộc họp về quản lý nhà chung cư, Sở Xây dựng đã đánh giá: mâu thuẫn về giá và chất lượng dịch vụ nhà chung cư giữa người dân và chủ đầu tư đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Rõ ràng, xây dựng các khu dân cư, đô thị mới văn minh là một việc không hề đơn giản, đòi hỏi trách nhiệm không chỉ từ các cơ quan chức năng trong việc ban hành đồng bộ các quy định, chế tài quản lý chung cư mới; từ chủ đầu tư trong việc tuân thủ và nghiêm túc trong đầu tư và vận hành dự án; và cần nhất là thái độ và ứng xử của người dân, bởi sau cùng người dân mới là các nhân tố quyết định môi trường sống của cả khu cư dân.