Do đó đòi hỏi DN có những chiến lược hợp lý, cùng những chính sách hỗ trợ để đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt, những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài. Cuộc chiến ở Ukraine, lãi suất quốc tế tăng, USD mạnh lên và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu, Trung Quốc tăng cường các biện pháp chống dịch… có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Do đó, ông Thân Đức Việt chỉ ra, doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã có dấu hiệu kém khả quan từ tháng 10/2022, sẽ báo hiệu tiếp một mùa khó khăn cho các DN dệt may Việt Nam.
Cùng với đó, người tiêu dùng châu Âu dự kiến sẽ giảm chi tiêu cho các sản phẩm may mặc và giày dép, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp. Ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm quần áo và giày dép thu hẹp lại dự báo trước những khó khăn sắp tới cho các nhãn hàng và nhà bán lẻ hàng may mặc tại châu Âu.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, ông Thân Đức Việt thông tin, May 10 luôn theo dõi sát diễn biến thị trường, bên cạnh đó áp dụng đồng bộ các giải pháp như: Tìm cách đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ… Đặc biệt, May 10 chú trọng tiêu thụ trong nước. Với quy mô dân số đạt trên 100 triệu dân vào năm 2030, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các DN.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, cùng với sự gia tăng của nhóm dân số trung lưu hứa hẹn mức chi tiêu cho các mặt hàng may mặc tăng trưởng nhanh hơn. Ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ chủ yếu phân khúc thị trường phổ thông và thu nhập trung bình khá, May 10 còn cho ra mắt dòng thời trang cao cấp GZ phục vụ tầng lớp trung lưu, doanh nhân.
Để hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Thân Đức Việt kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ thông qua việc giảm thuế, phí xăng dầu; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, DN cũng kiến nghị Chính phủ sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022.