Máy bán hàng tự động: Tiện lợi nhưng chưa hấp dẫn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được đánh giá là khá tiện lợi và là biểu tượng cho một phương thức mua bán được cho là văn minh ở nhiều nước nhưng máy bán hàng tự động vẫn chưa thực sự phổ biến và hấp dẫn người tiêu dùng tại Việt Nam. Những bất tiện, đầu tư hạ tầng loại hình dịch vụ này chưa thực sự tốt và thói quen người dùng vẫn là những rào cản.

Mua đồ uống tại máy bán hàng tự động bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải
Người tò mò, kẻ ngại ngần
Háo hức khi mới sử dụng nhưng sau lại không chọn là khách hàng trung thành của những chiếc máy bán hàng tự động, đó là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay. Nguyên nhân đầu tiên là do máy chỉ chấp nhận các mệnh giá tiền theo quy định, sau đó, nếu có khiếu nại, thắc mắc thì không biết ai xử lý và xử lý có nhanh không. Ngoài ra, các mặt hàng ở máy bán hàng tự động vẫn rất nghèo nàn, chỉ để phục vụ các nhu cầu đột xuất là chính. Và một lý do nữa là đa số người dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen mua hàng tại các máy bán hàng tự động vì họ còn ngại ngần máy nuốt tiền, máy không nhả sản phẩm… Và vì thế, dù nhiều cây bán hàng tự động được đặt ở các khu vực trung tâm TP, các trường học hay các khu đô thị… nhưng vẫn mang tính quảng bá, để mọi người biết đến là chính chứ hiệu quả vẫn chưa cao.
Để khắc phục những nhược điểm của máy bán hàng tự động, theo Quyết định số 3672/QĐ-UBND phê duyệt Mạng lưới máy bán hàng tự động của UBND TP Hà Nội đã đặt mục tiêu, đến năm 2020, Hà Nội sẽ lắp đặt và đưa vào vận hành khoảng 1.000 máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng bao gồm khuôn viên công viên, vườn hoa, bệnh viện, trường học, bến xe, nhà ga... Bên cạnh đó, máy bán hàng tự động phải có khả năng cung cấp đa dạng, phong phú các sản phẩm, chủng loại thức ăn, đồ uống. Đồng thời, có khả năng chấp nhận nhiều hình thức thanh toán (tiền mặt, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán sử dụng mã QR), chấp nhận các loại tiền giấy, tiền polymer Việt Nam và có chức năng trả lại tiền thừa.
“Phổ cập” máy bán hàng tự động từ câu chuyện của Nhật Bản
Chưa phổ biến và hấp dẫn được người dùng vì những bất tiện trong quá trình thanh toán, khiếu nại và chủng loại hàng hóa nghèo nàn, đó là thực tế tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đó lại đang là một hình thức thương mại hiện đại của nhiều nước. Đơn cử tại Nhật Bản, máy bán hàng tự động lại trở thành biểu tượng cho sự tiện lợi và văn minh. Và bài học từ Nhật Bản là câu chuyện mà Việt Nam cần tham khảo để phát triển phương thức thanh toán tiện lợi này.
Nhật Bản có hơn 5,5 triệu máy đang hoạt động trên cả nước, cứ một máy cho 23 người, tỷ lệ cao nhất thế giới. Chúng hiện diện khắp nơi và hầu như luôn ở ngoài trời, khiến chúng ngay lập tức lọt vào tầm mắt của bất kỳ ai đến thăm Nhật Bản. Hoạt động vận hành, bảo dưỡng máy rất đơn giản, với hai việc quan trọng nhất là dọn rác và đưa sản phẩm mới vào máy. Thùng rác nằm cạnh máy hoặc tích hợp trong máy. Nếu sự cố xảy ra, nhân viên của công ty quản lý sẽ khắc phục rất nhanh. Hàng hóa tại đây cũng phong phú với đủ chủng loại.
Từ vài năm gần đây, Hà Nội đã có những nỗ lực hiệu quả trong việc “phủ sóng” nhiều hơn các máy bán hàng tự động, nhất là các khu vực du lịch… Theo đó, TP đã lắp đặt một loạt hệ thống máy bán hàng tự động xung quanh Hồ Gươm phục vụ khách du lịch và người dân qua đó đã hạn chế được tình trạng người dân phải đi mua đồ uống từ những hàng rong với giá cao. Sau khi hệ thống bán hàng tự động đi vào hoạt động, người dân cũng phản ánh, mua hàng trên máy bán hàng tự động rất tiện ích, dễ dàng, đặc biệt hiện tượng hàng rong buôn bán mời chào khách tại phố đi bộ đã giảm hẳn. Nếu phát huy được những ưu điểm, máy bán hàng tự động chắc chắn trở thành một điểm nhấn thương mại hiện đại, văn minh tại Hà Nội, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.