Kinhtedothi - Là một trong những DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may tiên phong tiến hành cổ phần hóa (CPH) để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chính điều đó đã giúp Công ty CP May Hồ Gươm dần khẳng định thương hiệu và chỗ đứng trong ngành dệt may Việt Nam và thế giới.
Công nhân đang làm việc trong phân xưởng may của Công ty CP May Hồ Gươm chi nhánh Hà Nam. Ảnh: Ngọc Anh
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phí Ngọc Trịnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm cho biết, Công ty May Hồ Gươm tiền thân là Xí nghiệp May Trương Định được thành lập từ năm 1992, đến năm 1995 đổi tên thành Công ty CP May Hồ Gươm với diện tích khoảng 1.000m2, 220 máy may các loại, khoảng 120 công nhân. Năm 1998, số lượng lao động tăng lên 700 - 800 và để phù hợp với xu thế phát triển, năm 1999, từ một DN 100% vốn Nhà nước, Công ty là một trong những DN dệt may đầu tiên tiến hành CPH, đó cũng là dấu mốc khẳng định hướng phát triển đúng đắn của Công ty.
Hiệu quả từ cổ phần hóa
“Việc CPH tạo ra sự tự chủ cho DN, có thể tự quyết các vấn đề của mình theo đúng các quy định, đó là điều rất tốt cho DN. Sau khi CPH, công tác quản lý các chi phí cũng hiệu quả hơn, trách nhiệm công việc cũng cao hơn” – ông Trịnh chia sẻ. Hiện, tổng doanh thu của May Hồ Gươm từ 30 - 40 triệu USD/năm, năm sau cao hơn năm trước 10 - 15%, thu nhập tăng 15 - 20% và thuế thu nhập tăng 10%. Tuy nhiên, Công ty chủ yếu làm gia công cho các khách hàng nước ngoài nên giá trị giữ lại tại Việt Nam cũng không chiếm là bao trong số đó, nói cách khác giá trị ở lại rất thấp. Bởi, điểm yếu của DN Việt Nam là chưa sản xuất được sản phẩm mà khách hàng cần, mới chỉ làm được những sản phẩm thô, làm theo mẫu của khách hàng. “Vì vậy, chiến lược trong thời gian tới của Công ty là liên tục thay đổi và đổi mới để phù hợp với xu thế của thị trường, với nhu cầu của khách hàng. Cần phải có thay đổi về tư duy, cải tổ về phương pháp sản xuất mới mong đáp ứng được với thị hiếu của người tiêu dùng” – ông Trịnh khẳng định.
Mong có sự liên kết doanh nghiệp trong nước
Chia sẻ quan điểm về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU, ông Trịnh cho hay, việc đàm phán quá lâu dẫn tới các DN nước ngoài đã đầu tư lớn vào Việt Nam trong khi hiệp định vẫn chưa được chính thức ký kết, dẫn đến các đơn hàng cũng ít đi và khan hiếm cho các DN. Hơn thế, sự cạnh tranh của Việt Nam chưa thực sự mạnh, nhất là về tiềm lực tài chính và sự thiếu chủ động có đơn hàng.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn kinh doanh, ông Trịnh cho rằng, để làm tốt và hiệu quả phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho DN sản xuất trong nước, phải ngăn chặn hiệu quả nạn hàng lậu, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, bởi giá thành sản xuất một mặt hàng tại Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng lậu. Không phải 1 - 2 DN có thể làm được mà phải là cả một hệ thống, nên tạo một chuỗi liên kết giữa các DN trong nước mới mong kích cầu được sản xuất, tiêu thụ nội địa. Thêm vào đó, cần phải thay đổi tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng, bởi cùng một sản phẩm, chất lượng như nhau nhưng nếu gắn mác ZARA thì người tiêu dùng mua, nhưng gắn mác May Hồ Gươm thì chưa chắc...
Về định hướng chiến lược phát triển, May Hồ Gươm vẫn chọn thị trường trong nước là thị trường chiến lược. Nếu muốn phát triển mạnh phải hướng đến thị trường bên ngoài nhưng điều đó chỉ có được sau khi làm vững thị trường nội địa, đó là cách làm mà May Hồ Gươm lựa chọn. Tuy nhiên, lãnh đạo DN này cũng cho biết, có 2 khó khăn lớn đối với thủ tục tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh: Thứ nhất, về lĩnh vực hải quan, việc cải tổ, phát sinh một số mục sẽ gây nhiều khó khăn cho DN; Thứ hai, DN phải tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra quá nhiều trong năm, hết kiểm tra về cháy nổ, bảo hiểm, an toàn vệ sinh, lại đến thanh, kiểm tra về an toàn lao động, thuế…, mà quá trình hướng dẫn DN khắc phục, hoàn thiện các hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Đây cũng là trăn trở chung của nhiều DN trước yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh khi quá trình hội nhập đang diễn ra ngày một sâu, rộng hơn.