Mô hình sấy lúa hiện đại này hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân vơi nỗi nhọc nhằn sau mỗi vụ thu hoạch nhưng muốn nhân rộng vẫn còn nhiều việc cần bàn.
Bất cứ ai đến thăm xưởng chế biến lúa, gạo của chị Thủy đều thích thú trước dây chuyền sấy lúa tự động hiện đại. Dây chuyền máy sấy tự động theo quy trình đảo chiều dạng tháp này là kết hợp những ưu điểm của nhiều loại máy sấy nước ngoài. Tuy nhiên, để phù hợp đã có khoảng 80% các chi tiết máy được nội địa hóa. Riêng các bộ phận quan trọng như điều khiển tự động gió, nhiệt độ, độ ẩm hoàn toàn được nhập ngoại. Theo đó, lúa tươi được gầu bằng băng chuyền tải lên tháp cao 12m, trấu nhiên liệu cũng được gầu lên buồng đốt nhờ băng chuyền. Công việc vận hành máy chỉ cần một người đảm nhận.
Từ khi chị Thủy lắp đặt máy sấy lúa tự động, người dân ùn ùn mang lúa đến xếp hàng chờ sấy. Dù lắp đặt máy hơi muộn (giữa tháng 10), song dây chuyền máy sấy lúa tự động của chị Thủy đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Với công suất sấy trung bình đạt 17 tấn/mẻ/18 tiếng, vụ mùa 2016, chị Thủy đã sấy gần 200 tấn thóc cho nông dân với giá 300.000 đồng/tấn đối với lúa tẻ và 500.000 đồng/tấn đối với lúa nếp. Để dây chuyền hoạt động hiệu quả, chị Thủy đã xây thêm 2 silô có sức chứa 30 tấn/silô nhằm điều chỉnh lượng thóc sấy phù hợp để không ảnh hưởng đến chất lượng. Những khi lượng thóc cần sấy lớn, để thóc không bị ẩm mốc, nảy mầm, việc sấy sẽ chia làm 2 giai đoạn, lần 1 tạm sấy thóc khô khoảng 70%, lần 2 sấy khô hoàn toàn.
Điều chị Thủy tâm đắc nhất là hoạt động của máy sấy tự động không gây độc hại cho con người và môi trường. Việc sử dụng nhiên liệu trấu làm chất đốt vận hành máy đã giảm đáng kể chi phí sản xuất. Trấu sau khi đốt được để nguội rồi ủ hoai mục dùng làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Bụi trong quá trình máy vận hành được thiết kế ống hạ thủy hút hoàn toàn xuống nước ao.
Chia sẻ việc đầu tư máy sấy lúa tự động, chị Thủy cho hay, chứng kiến người dân “một nắng hai sương” làm ra hạt thóc nhưng đến ngày thu hoạch mà gặp mưa nhiều thì vẫn coi như “xôi hỏng bỏng không” vì nguy cơ thóc bị nảy mầm. Trăn trở đó thôi thúc chị Thủy làm sao để giúp nông dân, giúp chính gia đình mình vượt qua nỗi lo này.
Năm 2012, chị Thủy đã lắp đặt dàn máy sấy ngang, song công suất sấy hạn chế, tốn nhiên liệu và mỗi lần sấy phải vào đảo thóc bằng tay rất vất vả nên chị đã dừng vận hành. Được sự tư vấn, giới thiệu của Công ty TNHH Công Nông nghiệp Hà Nội, chị Thủy đã mạnh dạn lắp đặt dàn máy sấy lúa tự động với mức đầu tư gần 1 tỷ đồng tại cơ sở xay xát gạo của gia đình. Đáng mừng là chất lượng gạo xay xát tăng rõ rệt, tỷ lệ gạo gẫy dưới 5% so với 25% lúa phơi thông thường. Ông Đỗ Văn Kiên – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai) cho biết: “HTX Nông nghiệp Tam Hưng sử dụng dịch vụ máy sấy tự động cho 50 tấn lúa Nếp cái hoa vàng. Kết quả, chất lượng gạo sau xay xát đạt yêu cầu về kỹ thuật, hạt gạo tròn, mẩy, bóng và giữ nguyên mùi hương”.
Hiệu quả của mô hình sấy lúa hiện đại thấy rõ, song chị Thủy vẫn không khỏi băn khoăn vì sau mỗi năm hai vụ thì lấy nguồn nguyên liệu từ đâu để dây chuyền hoạt động? Dù tới đây, Công ty TNHH Bình Ngọc của chị Thủy mở rộng liên kết với các HTX trong huyện và vùng xung quanh để thực hiện dịch vụ bởi ngoài sấy thóc dây chuyền còn có công năng sấy các loại nông sản hạt như ngô, đậu tương, lạc… Tuy nhiên để duy trì hoạt động cho dây chuyền là cả một vấn đề không đơn giản! Trong khi số vốn đầu tư ban đầu không hề nhỏ? Thế nên chị Thủy rất mong được các cấp, ngành TP hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nông dân thông qua các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Có như vậy, người nông dân mới yên tâm sản xuất và mạnh dạn làm giàu trên mảnh đất quê hương.