Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

MB với chiến lược chuyển đổi số khác biệt

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện mục tiêu trở thành một doanh nghiệp số dẫn đầu, Ngân hàng Quân đội (MB) đã tập trung đầu tư cho con người và nền tảng, quyết tâm làm chủ công nghệ, nhằm đảm bảo tốc độ và lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Tăng tốc mở rộng hệ sinh thái số
Với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm, các ngân hàng bước vào cuộc đua đầu tư cho công nghệ và nhân lực để phát triển hệ sinh thái tiện ích số nhằm đón đầu những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng. Khi giá cả và sản phẩm dịch vụ không còn tạo ra sự cạnh tranh khác biệt thì trải nghiệm khách hàng nhanh hơn, đơn giản hơn và thuận tiện 24/7 trở thành yếu tố then chốt để mỗi ngân hàng bứt phá trong cuộc đua ngày càng gay gắt này.
MB tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi con người, nguồn lực và tốc độ để tạo ra sự khác biệt trong chiến lược chuyển đổi số. Ảnh: Hà Lâm
Song song với việc nỗ lực xây dựng hành trình trải nghiệm khách hàng toàn diện và thuận tiện, các ngân hàng đang tích cực nâng cao năng lực lõi và công nghệ theo chiến lược riêng.

MB tận dụng thế mạnh về hạ tầng công nghệ độc lập để tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi số ngân hàng, đồng thời tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong mang đến những trải nghiệm số cá nhân hóa cho khách hàng. Xác định phát triển ngân hàng số là nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu trở thành “Ngân hàng thuận tiện nhất”, MB không chỉ tập trung cho các kênh giao tiếp khách hàng (front end) mà còn đẩy mạnh nâng cao năng lực và nghiệp vụ (back end).

Ông Vũ Thành Trung - Thành viên Ban điều hành, Giám đốc Khối Ngân hàng số cho biết:

“MB đặt khách hàng là trọng tâm cho mọi hoạt động đổi mới của DN, đang tăng tốc mở rộng hệ sinh thái số, hướng tới xây dựng mô hình ngân hàng số tự phục vụ (self-serving) - siêu ứng dụng tài chính (all-in-one-app) mang tính cá nhân hóa cao dành cho khách hàng, linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng với hai sản phẩm nổi bật là App MB và BIZ MB.

Trong năm 2021, ngân hàng đã tiên phong triển khai nhiều tiện ích số theo xu hướng này như tạo tài khoản số đẹp theo sở thích, in thẻ lấy ngay, tạo mã thanh toán VietQR riêng, hay ứng dụng công nghê tích hợp “Thiện nguyện” đáp ứng nhu cầu của xã hội về minh bạch trong các công tác quyên góp từ thiện…, đồng thời góp phần đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt nhiều dịch vụ như: điện, nước, viễn thông, đặt khách sạn, mua vé máy bay, bảo hiểm, chứng khoán…

Với những lợi thế cạnh tranh về nguồn lực và tốc độ như hiện nay, MB là một trong số ít các ngân hàng tại Việt Nam khẳng định chiến lược phát triển thành một công ty công nghệ trong tương lai không xa.

Số hóa thúc đẩy trẻ hóa ngân hàng

Từ một ngân hàng truyền thống, thậm chí bị nhiều cổ đông đánh giá là “ngân hàng già”, MB đã nỗ lực và thực hiện thành công mục tiêu “trẻ hóa” bằng những dấu ấn mạnh mẽ về số hóa.

Năm 2017, MB đã chọn một hướng đi mới, đó là chuyển đổi hoạt động sang nền tảng số. Vào thời điểm còn ít người hiểu về ngân hàng số, đại diện MB đã khẳng định với cổ đông rằng, MB sẽ là ngân hàng đầu tiên không giấy tờ tại Việt Nam.

Nói là làm, mục tiêu này được MB hiện thực hóa bằng một kế hoạch cụ thể, rõ ràng với sự đầu tư mạnh tay.

MB hiện đang đầu tư ngân sách 50 triệu đô mỗi năm cho hạ tầng công nghệ độc lập; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ trong ngân hàng và triển khai hàng loạt dự án về tự động hóa, ứng dụng Robotics vào quy trình vận hành, cải thiện hệ thống; đồng thời hợp tác với các đối tác công nghệ lớn trong và ngoài nước như công nghệ như IBM, Oracle, Viettel nhằm tối ưu hóa giải pháp chuyển đổi số.

Trước đó, từ năm 2018, MB đã chính thức hợp tác chiến lược với IBM - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Theo đó, IBM tư vấn, cập nhật thường xuyên các xu hướng công nghệ mới bậc nhất cho MB và hỗ trợ ngân hàng này chuyển đổi hoạt động sang nền tảng số, với đội ngũ chuyên gia tốt bậc nhất để dẫn đầu xu hướng này.

Với nền tảng công nghệ, tài chính vững vàng, MB vượt qua thách thức đại dịch Covid- 19 một cách ngoạn mục khi liên tục tăng trưởng về hiệu quả và mọi mặt hoạt động trong hai năm gần đây. Đại dịch tạo nên những thách thức rất lớn cho nền kinh tế, nhưng lại là thời cơ "vàng" cho những DN chuẩn bị được nền tảng công nghệ hiện đại như MB tăng tốc, triển khai mạnh mẽ chiến lược số, không chỉ trong nội bộ mà còn kết nối, hỗ trợ hệ sinh thái nhiều triệu khách hàng.

Đơn cử, trong bối cảnh nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội trước đây do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động tín dụng của MB vẫn được duy trì và duy trì tốt, đảm bảo các mục tiêu kinh doanh cũng như phục vụ khách hàng. Theo đó, để hỗ trợ cho khách hàng và duy trì dòng tín dụng trong bối cảnh giãn cách, MB đã thực hiện thỏa thuận với khách hàng, thực hiện chuyển dịch từ tiếp xúc trực tiếp sang nhận hồ sơ thông qua các kênh giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, MB cũng nâng cấp hai nền tảng dành cho khách hàng là App MB (đối với khách hàng cá nhân) và Biz MB (đối với khách hàng DN) để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dòng vốn tín dụng từ Ngân hàng trên hai nền tảng online này.

Ông Lưu Trung Thái - Tổng Giám đốc MB chi biết, ngân hàng này muốn trở thành một DN số dẫn đầu. “Đó là lý do MB luôn tập trung đầu tư cho con người và nền tảng, quyết tâm làm chủ công nghệ, nhằm đảm bảo tốc độ và lợi thế cạnh tranh trên thị trường” - ông nói.

Hiện nay, MB là một trong những ngân hàng có đội ngũ nhân sự và chuyên gia công nghệ hùng hậu bậc nhất Việt Nam, với 1.200 nhân sự, chiếm hơn 10% tổng nhân sự toàn ngân hàng. Ban lãnh đạo MB tin rằng, chuyển đổi số là cơ hội để MB bứt phá trở thành một DN công nghệ quy mô lớn, trong đó nhân sự công nghệ đóng vai trò là "mắt xích" quan trọng, thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

MB xác định đến năm 2024, nhân sự công nghệ sẽ chiếm tới 25% số nhân sự toàn ngân hàng và trở thành lực lượng chủ chốt hỗ trợ MB mở rộng quy mô và hoạt động trong vai trò là một DN công nghệ.
"Ở MB, quan điểm về chuyển đổi số là một quá trình liên tục. Chúng tôi liên tục thử nghiệm, áp dụng và điều chỉnh với trọng tâm tạo ra sự thuận tiện và những trải nghiệm số hiện đại cho khách hàng. MB đã đầu tư bài bản về hệ thống hạ tầng CNTT, phát triển nguồn nhân lực, áp dụng mô hình làm việc Agile - thay đổi tư duy của con người MB, xây dựng quy trình vận hành như một công ty công nghệ ngay từ những giai đoạn đầu." - Thành viên Ban điều hành, Giám đốc Khối Ngân hàng số MB Vũ Thành Trung

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số của ngành ngân hàng nhanh hơn từ 3 - 5 năm và tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số. Đại dịch đặt ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội “bình thường mới”, việc đa dạng hóa giải pháp tài chính trên nền tảng ngân hàng số giúp đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng, đồng thời giúp ngân hàng thiết kế một hành trình khách hàng toàn diện đối với các dịch vụ của ngành.