Với khối lượng chuyển nhượng xấp xỉ 61 triệu đơn vị, cổ phiếu MBB đã soán vị trí dẫn đầu về khối lượng giao dịch tại sàn HoSE trong tuần này. Đứng thứ hai là mã cổ phiếu FLC, có khối lượng giao dịch đạt gần 46 triệu đơn vị và các vị trí kế tiếp trong top 5 thuộc về HQC, ITA, CII.
Trên sàn HNX, cổ phiếu SCR dẫn đầu về khối lượng chuyển nhượng đạt 28 triệu đơn vị. Theo sau là mã cổ SHB có khối lượng giao dịch đạt 27 triệu đơn vị đồng thời các mã KLF, PVS, PVX giữ các vị trí tiếp theo.
Dấu ấn đặc biệt nhất tuần qua là thông tin Hiệp định TPP đã cán đích đồng thời tạo cú hích tâm lý, kích thích dòng tiền quay lại thị trường.
Trong tuần, mặc dù áp lực chốt lời vẫn hiện hữu song sức cầu nhìn chung khá mạnh, nhờ đó VN-Index tăng 4,57%, lên 588,02 điểm và HNX-Index tăng 3,19%, lên 80,75 điểm.
Trên thị trường, nhóm các cổ phiếu hưởng lợi từ TPP sau khi tăng “nóng” tại hai phiên đầu tuần thì đã dần giảm nhiệt ở những phiên kế tiếp. Tuy nhiên, nhóm này vẫn có kết quả tích cực, cụ thể TCM tăng 2,47%, HVG tăng 7,83%, KMR tăng 11,11%, VHC tăng 2,78% và STK tăng 5,07%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và bảo hiểm là hai nhóm có mức tăng giá mạnh nhất trong tuần, cụ thể VIC tăng 4,09%, KBC tăng 15,45%, ITA tăng 21,57%, HQC tăng 17,65%, BVH tăng 22,83%, BMI tăng 12,82%, BIC tăng 11,61%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy có vài phiên điều chỉnh nhẹ nhưng nhìn chung vẫn có tuần giao dịch tích cực, trong đó mã MBB gây được sự chú ý khi mà khối ngoại mua thỏa thuận đến 40,5 triệu đơn vị, chốt tuần mã này giảm nhẹ 1,32%.
Tuần qua, khối ngoại có tuần giao dịch khá tích cực. Họ mua ròng trên cả HoSE và HNX với giá trị lần lượt 1.089 tỷ đồng và 25,15 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất là mã MBB với khối lượng gần 41 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã DLG đạt gần 9,6 triệu đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã HQC, KBC, SSI.
Ở chiều ngược lại, họ lại bán ròng mạnh nhất tại mã cổ phiếu STB, khối lượng lên tới gần 2 triệu đơn vị, kế sau là mã JVC cũng có khối lượng bán ròng 1,5 triệu đơn vị.
Phía sàn HNX, mã TIG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 2 triệu đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là SCR, CEO, VND, API.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng nhiều nhất tại mã cổ phiếu PVC, với 583.100 đơn vị, tiếp đến là các mã PCT, BVS, PLC, PVS.
Quay trở lại diễn biến chung, thị trường đã có tuần giao dịch tích cực cả về điểm số và thanh khoản sau năm tuần đi ngang liên tiếp trước đó.
Riêng phiên ngày 6/10, hoạt động giao dịch “bùng nổ” đánh dấu trạng thái “giải thoát” của dòng tiền sau thời gian dài đứng ngoài do chịu tác động tiêu cực từ các yếu tố khách quan khiến tâm lý thận trọng dâng cao.
Quy mô giao dịch trong tuần rất lớn, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân mỗi phiên lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với lượng giao dịch khớp lệnh bình quân trong 20 phiên trước đó.
Mặc dù, tại phiên giao dịch ngày cuối tuần có xuất hiện áp lực điều chỉnh do lượng hàng T+3 về tài khoản, nhưng biên độ giảm giá tại các mã cổ phiếu khá hẹp đồng thời hai chỉ số chính trên thị trường niêm yết vẫn duy trì được đà tăng nhẹ.
Các chuyên gia phân tích đánh giá, việc khối ngoại quay trở mua ròng sau nhiều tuần bán ròng liên tiếp và tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt là những tác nhân tích cực giúp thị trường bứt phá.
Cụ thể, thị trường ngoại hối đang có dấu hiệu ổn định trở lại nhờ những động thái mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước (như giảm lãi suất đồng USD hay ban hành Thông tư 15 về giao dịch ngoại tệ).
Ngoài ra, nhiều khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ chưa tăng lãi suất trong cuộc họp cuối tháng 10 tới đây và đồng Nhân dân tệ có thể sẽ được thêm vào rổ tiền tệ quốc tế. Những yếu tố này được cho là khá tích cực, góp phần đẩy lùi những quan ngại của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan tới rủi ro tỷ giá...
Do đó, giới phân tích nhận định, các nhân tố tích cực ở trên sẽ giúp thị trường duy trì đà tăng trong trung dài hạn. Vì vậy, các phiên điều chỉnh do chịu tác động của dòng tiền chốt lời ngắn hạn là cơ hội tốt để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp.
Kinhtedothi - Ảnh minh họa. Nguồn Internet |