Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

McKinsey: Việt Nam nằm trong số 18 nền kinh tế “đạt hiệu quả vượt trội”

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin được đưa ra trong báo cáo McKinsey công bố hôm 12/9, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018

Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey ngày 12/9 đã công bố một báo cáo về các nền kinh tế mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF ASEAN) 2018.
Theo đó, trong tổng số 71 nền kinh tế được phân tích trong báo cáo, có 18 nền kinh tế- khoảng 25% được đánh giá là “đạt hiệu quả vượt trội hơn”. Trong đó, 7 nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 3.5% trong vòng 50 năm, từ 1965 đến 2016. Các nền kinh tế này bao gồm: Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Bà Anu Madgavkar (phải), thành viên điều hành McKinsey Ấn Độ và ông Oliver Tonby, Chủ tịch McKinsey châu Á (không gồm Trung Quốc) tại buổi công bố báo cáo. Ảnh: Minh Tuấn

Bên cạnh đó, 11 nền kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, trong khoảng thời gian ngắn hơn, đạt mức 5% mỗi năm trong 20 năm từ 1996 đến 2016 bao gồm Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.
Theo báo cáo, dù có sự khác biệt giữa tính chất và chính sách của các nền kinh tế này, các nền kinh tế vượt trội hơn vẫn có sự tương đồng trong hai yếu tố cơ bản. Một là, có chính sách hỗ trợ tăng trưởng với mục tiêu hình thành một vòng tuần hoàn hiệu quả về năng suất, thu nhập và nhu cầu, từ đó khuyến khích tiết kiệm, đảm bảo sự ổn định, thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo đổi mới.
Hai là, vai trò trọng yếu của các doanh nghiệp lớn, nhưng bị đánh giá thấp, trong việc thúc đẩy năng suất và tăng trưởng. “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy vai trò then chốt của các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP-nhưng vai trò này thường xuyên bị bỏ quên”, theo ông Jonathan Woetzel, Giám đốc Viện Toàn cầu McKinsey Thượng Hải, một trong các tác giả báo cáo cho biết.
Báo cáo cho thấy việc nhân trộng công thức thành công của các nền kinh tế vượt trội cho tất cả các nền kinh tế mới nổi khác có thể đóng góp thêm 11 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới đến năm 2030, tức là tăng 10% tương đương với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc.
Báo cáo cũng ghi nhận rằng làn sóng tăng trưởng toàn cầu tiếp theo có thể được dẫn đầu bởi một nhóm các thị trường mới nổi vượt trội. Các nền kinh tế mũi nhọn mới có thể sẽ nổi lên và tạo được nhiều cơ hội. Đơn cử, việc Trung Quốc dần chuyển hướng từ một nền sản xuất thâm dụng lao động sang sản xuất dựa trên nghiên cứu và phát triển chuyên sâu đang tạo cơ hội cho Ấn Độ, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác, đặc biệt cho hàng hóa sản xuất tại các nước có thu nhập thấp như Indonesia và Uzbekistan.
Nhìn chung, tỷ trọng thương mại hàng hóa sản xuất tại các thị trường mới nổi, giữa các nước đang phát triển với nhau và giữa Trung Quốc với các nước đang phát triển, đã tăng từ 8% năm 1995 lên 20% năm 2016. Động lực tăng trưởng đó sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội hợp tác thương mại giữa các nước đang phát triển.