Bà Huyền vốn xinh đẹp, lại là con duy nhất của một gia đình bề thế. Người cao tuổi trong làng kể lại rằng, ngày xưa bà Huyền là niềm ao ước của thanh niên trai trẻ trong vùng. Chẳng rõ số phận run rủi thế nào, bà lại lấy ông Bộ. Về sau người ta mới biết, việc bà Huyền lấy chồng là do bố đẻ sắp đặt.
Được không ít kẻ si mê, nhưng cuối cùng bà Huyền lại kết hôn với người đàn ông bình thường, không có gì nổi bật. Điều khiến bố bà Huyền gật đầu nhân con rể là do ông Bộ hiền lành và chấp nhận ở rể. Ông Bộ ở rể được trên 10 năm thì bố mẹ vợ lần lượt qua đời và trong từng ấy thời gian, vợ chồng nhà này cũng đã sinh nửa tá con, gồm 4 gái, 2 trai. Từ thân phận ở rể, khi bố mẹ vợ qua đời, ông Bộ nghiễm nhiên trở thành ông chủ của một cơ ngơi to nhất nhì làng.
Được số “chuột sa chĩnh gạo”, nên anh thanh niên Bộ hiền lành chịu khó năm nào trở thành kẻ thích hưởng thụ. Người xưa có câu “miệng ăn núi lở”, đã đông con, lại cộng thêm ông chồng siêng chơi hơn làm, chẳng mấy chốc tiền bạc trong nhà đội nón ra đi. Khi con cái đã trưởng thành và lần lượt lấy chồng lấy vợ thì cũng là lúc bà Huyền đổ bệnh. Ban đầu chỉ vì một cú ngã, sau đó chẳng rõ số mệnh thế nào mà người đàn bà khốn khổ này cứ liệt dần.
Tiếng là đông con, nhưng vì đau lâu, ốm dài nên sự tận tình của chúng với bà Huyền cũng dần tỷ lệ nghịch với quá trình đau ốm. Những năm đầu mới lâm bệnh, bà Huyền được chồng và các con lưu tâm chăm sóc, nhưng càng về sau, sự quan tâm càng nhạt. Trước kia mấy đứa con gái của bà hằng tuần còn đến thăm mẹ, lâu dần dăm bữa, nửa tháng chúng mới thoảng qua. Còn vợ chồng đứa út, viện cớ phải dạy học xa, nên chúng thuê nhà ở tịt ngoài phố, ngày lễ, Tết chúng về chốc lát, ăn xong là nhổ neo!
Về phía ông Bộ, trước đây còn hỗ trợ vợ chồng đứa trai cả chăm sóc vợ nhưng thời gian sau, người đàn ông này cũng dần “buông”. Ở tuổi ngũ tuần, ông còn cường tráng lắm, vì vậy nhân một lần cha con cãi nhau, người làng thấy ông Bộ lui về căn nhà cũ sống cảnh cơm một niêu, lều một gian. Với bà Huyền, từ chỗ chồng con đề huề, sau trận ốm, bà trở thành quả bóng để cha con ông Bộ “đá qua đá lại”. Càng về sau, bà chỉ còn biết trông cậy vào vợ chồng người con trai cả.
Lúc còn “làm ra tiền”, vợ chồng bà Huyền thường vun vén cho cậu út, nhưng khi đau ốm lại phải nhờ dâu trưởng. Vậy nên những ngày đầu, vợ Nam thường tiếng chì, tiếng bấc. Cô bóng gió đến chuyện phải nuôi mẹ chồng nằm liệt một chỗ, trong khi chẳng có được lộc lá như những đứa khác.
Trong thế bị kẹt, Nam chỉ biết nín nhịn, tự mình chăn sóc mẹ già. Những việc nặng nhọc trong nhà một tay anh cáng đáng. Tắm rửa, cơm nước, giặt giũ cho mẹ, dù là con trai nhưng anh cũng chẳng nề hà. Lâu dần việc làm của Nam đã khiến Hà - vợ anh thay đổi. Sau giờ làm, cô tranh thủ về sớm tắm rửa, cơm nước cho mẹ chồng; nhờ sự chăm sóc tận tình của vợ chồng Hà, sức khỏe bà Huyền có sự chuyển biến tốt…
Từ chỗ liệt giường, bà Huyền bắt đầu nhúc nhắc đi lại và dần tự chủ trong sinh hoạt. Sau 20 năm, vào một buổi sáng - người làng nhìn thấy bà Huyền bước chân ra khỏi nhà như chim non ra ràng.
Một thời gian sau đó, sức khỏe của bà hoàn toàn bình phục. Hiểu tấm lòng hiếu thảo của con dâu, bà Huyền hết lòng giúp đỡ chúng. Người xưa có câu “một mẹ già bằng ba đứa ở’ quả không sai. Từ khi khỏe mạnh trở lại, một tay bà Huyền lo chăm sóc các cháu, để vợ chồng Hà làm ăn, từ đó kinh tế gia đình phất lên trông thấy.
Dịp cuối tuần vừa qua, bà Huyền triệu tập dâu rể và đức ông chồng về nhà trai cả, tổ chức liên hoan. Trước khi vào mâm, bà Huyền tiết lộ mình có 3 cây vàng, trong suốt thời gian ốm đau, khó khăn nhưng vẫn cố dành dụm. Nay sức khỏe đã bình phục nên bà quyết định dành phần tài sản cuối cuộc đời cho con dâu trưởng. Đến lúc này ông Bộ mấy đứa con dù không muốn nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn.
Từ đấy, cuối tuần người ta lại thấy những đứa con lâu nay “mất mặt”, quy tụ về nhà anh cả ăn uống tưng bừng. Nhìn vào cuộc sống hôm nay, người trong làng ai cũng cho rằng số bà Huyền “ăn” về hậu vận!