Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mê mẩn với kiến trúc xưa cũ ở làng cổ Cự Đà

Bài, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với hàng chục căn nhà kiểu cổ vùng đồng bằng Bắc bộ, đan xen với những ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc Pháp, làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khiến bất kỳ du khách nào cũng bị hút hồn.

 Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, làng Cự Đà mang trong mình một không gian văn hóa độc đáo.
 Không chỉ có những ngôi nhà ba gian, năm gian, làng cổ Cự Đà còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được xây dựng cách đây cả trăm năm. 
 Theo thống kê của UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội), làng cổ Cự Đà hiện còn giữ được 51 căn nhà được xây dựng theo kiểu nhà cổ vùng đồng bằng Bắc bộ cách đây khoảng 200 năm. 
 Có 2 căn được thiết kế theo kiểu biệt Pháp, và 20 căn thiết kế theo lối kiến trúc phương Đông.
 Làng vẫn còn những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà xưa… khiến người tới thăm có cảm giác như đi ngược lại thời gian cả trăm năm.
 Quy hoạch tự nhiên của làng theo đúng mô hình “nhất cận thị, nhị cận giang” điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp vừa thương mại.
 Nhờ vị trí thuận lợi giao thương dễ dàng đã mang đến cho ngôi làng sự thịnh vượng, giàu có.
 Thời kỳ phát triển nhất của làng là những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. 
 Vì thế, thời bấy giờ, nơi đây được ví von với cái tên hào nhoáng - “Làng Doanh nhân”, đồng thời, thu hút nhiều khách thập phương. 
 Tuy nhiên, trong đó trà trộn cả kẻ trộm cắp gây mất an ninh, trật tự nên các nhà đều xây cổng.
 Mỗi xóm lại có cổng riêng, đường đi được lát gạch nghiêng, cổng xóm ban đêm được đóng kín bằng cánh cửa gỗ. 
 Đặc biệt hơn, nơi đây còn là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố. 
 Đó là những điều hiếm có ở các làng xã Bắc Bộ và cả Việt Nam.

Cấu trúc của ngôi làng được quy hoạch theo hình xương cá, từ đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ và dẫn vào các xóm. 

 Còn Bến sông Nhuệ trước đây là nơi buôn bán tấp nập, dân làng Cự Đà dựng hai cột trên đó có con cóc đá đội đèn để thuyền bè biết lối cập bến. 
 Trong làng hầu hết những ngôi làng đều theo phong cách phương Tây hoặc có sự kết hợp giữa phong cách Đông Tây.
 Không chỉ được khám phá những nét cổ kính của ngôi làng, tới thăm Cự Đà vào ngày nắng, du khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào mê cung sắc vàng: Màu nắng rót xiên kẽ lá lên đường làng, ngõ xóm, vàng trong sân chùa, vàng dọc lối đi... và cả màu vàng óng lấp lánh trên những sợi miến dong. Miến Cự Đà rất được ưa chuộng bởi sợi miến vàng, ngon và dai. 
 Cùng với miến, Cự Đà còn có nghề làm tương truyền thống. Từ lâu, tương Cự Đà có tiếng thơm ngon và đi vào ca dao như một thương hiệu: “Tương Cự Đà – cà làng Đám”.
 Một ngày ở làng cổ Cự Đà để lại cho chúng tôi bao ấn tượng, không chỉ bởi nét cổ kính rêu phong mà cả vẻ đẹp trong lao động sản xuất, sự hiếu khách của người dân nơi đây. 
 Rời “Làng Doanh nhân”, chúng tôi không quên mua những lọ tương, bó miến về làm quà.
 Làng cổ Cự Đà là một điểm đến du lịch Hà Nội dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, những làng nghề truyền thống hay đơn giản là đến đây để có những phút giây thả tâm hồn theo những khung cảnh bình yên, cảm nhận như thời gian đang đứng lại.