Mê muội tâm linh

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những phê phán của dư luận cũng như lời cảnh báo của các chuyên gia và chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những ngày đầu Xuân vừa qua, không ít người dân lại đổ xô đến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để làm lễ dâng sao giải hạn.

Trong nhiều cơ sở chùa chiền vẫn lén lút thực hành nghi lễ thỉnh vong báo oán. Đây không chỉ là hành động mê tín dị đoan, thiếu sự hiểu biết, trái ngược với giáo lý đạo Phật, mà còn vô tình tạo môi trường làm nảy sinh nhiều biến tướng tiêu cực, đòi hỏi phải sớm ngăn chặn.
 Ảnh minh họa: Công Hùng

Sùng bái cõi âm

Sự cuồng tín thành mê tín đã trở thành hiện tượng. Ngày nay, người ta chẳng lạ với cảnh người người ngồi tràn khắp những con phố quanh chùa trong lễ giải hạn những ngày đầu năm. Người ta cũng không lạ khi chứng kiến bầu đoàn thê tử những người từ các vùng quê khác nhau, ăn chực nằm chờ để được nghe thầy bói phán... Người ta tranh nhau uống loại nước không rõ nguồn gốc hay giành giật bằng được mẩu đồ ăn chỉ vì nghĩ đó là lộc từ một thế lực... không có ở cõi dương.
Cần phải khẳng định rằng mong muốn của con người khi hướng đến một cuộc sống an lành và hanh thông, mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn… là hoàn toàn chính đáng, kể cả khi mong muốn đó được gửi gắm vào điều linh thiêng. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hành một số nghi lễ để thỏa mãn mong muốn đó đã bị đẩy lên đến mức thái quá, trở thành mê tín dị đoan cùng nhiều biến tướng tiêu cực.
Khi rơi vào hoàn cảnh bất an, khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, gọi hồn, thỉnh vong và các hoạt động mê tín dị đoan sẽ được người ta tìm đến để lấp vào khoảng trống sợ hãi… Một cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực.
Chẳng có minh chứng nào cho thấy việc thỉnh vong, gọi hồn người đã khuất hay cầu xin người âm giúp người đời đạt được mong muốn hay giàu sang, sung túc. Và tin chắc không bao giờ ai có thể chứng minh được điều đó. Ấy thế nhưng vẫn có nhiều người sùng bái cõi âm. Bằng chứng là các điện, phủ do các cá nhân lập nên để phục vụ việc cúng bái ngày càng nhiều.
Các thầy bói, thầy cúng xuất hiện khắp nơi, hỏi thăm một câu có thể tìm ra hàng loạt số. Thực trạng đáng lo ngại này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả xã hội cũng như các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng hình thức tín ngưỡng, tôn giáo pha đậm màu sắc mê tín dị đoan, trở thành nơi buôn thần bán thánh, ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều lĩnh vực xã hội từ tư tưởng đạo đức đến kinh tế đời sống.

Hầu đồng biến tướng

Một sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống khác cũng bị lạm dụng là nghi lễ hầu đồng tại các đền, phủ. Năm 2016, “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh thì nghi lễ hầu đồng đã khá “nở rộ” trong tâm linh của nhiều người sùng đạo Mẫu.
Theo khảo sát, toàn tỉnh có 352 di tích lịch sử - văn hóa thờ và phối thờ Mẫu. Ở hầu hết các đền, phủ, miếu thờ Mẫu hoặc phối thờ Mẫu ngày nào cũng diễn ra từ 1 - 2 giá đồng. Trong khi thời xưa, giá hầu đồng khá giản dị, đầy màu sắc dân gian thì ngày nay, nhiều giá hầu đồng đang có những biểu hiện phản cảm, gây tốn kém, lãng phí tiền của từ việc biện lễ, phục sức cho đến phát lộc.
Nhiều người dân có điều kiện về kinh tế cho rằng lễ phải to, phải lớn thì mới có nhiều tài, nhiều lộc. Qua đó, dẫn đến thực trạng các gia đình mua sắm lễ vật xa hoa, lãng phí, cầu ước những điều không hợp đạo lý, trái ngược tín ngưỡng thờ Mẫu; một số nghi lễ hầu đồng ở phần ban lộc, thay vì hoa quả tượng trưng đã bị biến tướng thay bằng tiền có mệnh giá lớn… làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Bên cạnh đó là hiện tượng thương mại hóa, “buôn thần bán thánh”, đánh vào niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, lợi dụng nghi lễ để trục lợi. Một số thanh đồng còn lợi dụng việc “nhập thánh” phán truyền người xem phải “trả nợ tào quan”, “cắt duyên âm”, ban “nước thánh”, yểm bùa, trừ ma… dẫn đến hành vi biến tướng thành tệ nạn mê tín dị đoan làm lệch chuẩn giá trị diễn xướng hầu đồng vốn mang nhiều giá trị văn hóa tâm linh.

Gốc rễ của mê tín dị đoan

PGS.TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Nhiều người cho rằng phú quý sinh lễ nghĩa. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, điều này không hoàn toàn chính xác. Bởi thực tế có rất nhiều người nghèo vẫn lao vào các hoạt động mê tín dị đoan để mong đổi đời. Họ vẫn “nướng” cho thầy bói, thầy cúng cả khoản tiền lớn, thậm chí là tiền đi vay, chỉ với một suy nghĩ ấu trĩ là “giải được hạn” khiến cuộc sống của họ đen đủi.
Cũng khó đổ tại trình độ thấp khiến người ta mê muội vào điều hoang đường. Hãy thử nhìn vào đám đông những người tháng ngày mê đắm với các lễ nghi cúng tế nơi phủ, điện mà các thầy bói, thầy cúng lập, có không ít các cử nhân, thạc sĩ.
Trẻ có, già có, nam, nữ có cả. Lý do khả dĩ nhất có thể lý giải cho hiện tượng mê bói toán, gọi vong hay các hoạt động mê tín tràn lan hiện nay chỉ có thể là sự khủng hoảng niềm tin quá lớn.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đời sống kèm theo kinh tế khó khăn, bệnh tật ngày một nhiều, đặc biệt là việc ngày càng xuất hiện nhiều căn bệnh tai quái cũng gây nên sự khủng hoảng tinh thần với nhiều người. Và họ tìm đến những kiến giải mang tính tâm linh hoang đường để giải thoát.
Trong thời buổi công nghệ này, vài phút sau một cuộc đánh ghen tơi tả, một vụ thảm sát tàn bạo, một cuộc khẩu chiến hay ẩu đả... một cú click chuột đăng tải sự việc của ai đó là cả cộng đồng mạng xã hội đều biết. Xã hội rộng lớn vậy, chỉ cần một số ít người thích “tường thuật” vụ việc thôi thì cả mạng xã hội đã ngập tràn những chuyện khiến người ta giật mình thảng thốt.
Chưa kể đến nữa là việc thổi phồng sự việc của một số facebooker khiến việc nhỏ thành việc to rồi nữa là việc lan truyền tin giả... Hàng ngày, hàng giờ cứ tiếp nhận những thông tin như vậy hỏi sao không thấy hoang mang, không thấy lo âu.
Giáo sư tâm lý học tại Cao đẳng Connecticut, Mỹ, từng khẳng định: “Gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát. Con người luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong các hoàn cảnh bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi và làm chúng ta cảm thấy tốt hơn”.
Đây chính là lý giải cho việc tại sao càng những người đang gặp trắc trở, khó khăn trong cuộc sống càng lao vào các hoạt động mê tín dị đoan. Khi không biết tin vào điều gì để định hướng cho cuộc sống, người ta đành phó thác niềm tin vào những điều hoang đường như một sự cứu rỗi “cơn bão tố” trong lòng mà không biết rằng đây có thể là mầm bão thực nhấn chìm cuộc sống của họ.

Ngày nay, người ta chẳng lạ với cảnh người người ngồi tràn khắp những con phố quanh chùa trong lễ giải hạn những ngày đầu năm. Người ta cũng không lạ khi chứng kiến bầu đoàn thê tử những người từ các vùng quê khác nhau, ăn chực nằm chờ để được nghe thầy bói phán... Người ta tranh nhau uống loại nước không rõ nguồn gốc hay giành giật bằng được mẩu đồ ăn chỉ vì nghĩ đó là lộc từ một thế lực... không có ở cõi dương.


Các lĩnh vực văn hóa, khoa học và truyền thông có một thiên chức vô cùng quan trọng để từng bước hạn chế sự bùng nổ và lan tràn tình trạng mê tín dị đoan. Nhưng quả là khó khăn vô vàn. Trên tổng thể đời sống tinh thần, khoa học dù đã rất phát triển nhưng nó vẫn rất nhỏ bé và khá mong manh. Con đường phát triển của nó gian lao và gập ghềnh đòi hỏi sự phát triển đồng bộ, một định hướng đúng đắn và quá trình hành động bền bỉ." - Nguyễn Hùng Vĩ


Mặt trái của kinh tế thị trường

"Nguyên nhân của hiện tượng mê tín dị đoan có nhiều, trong đó có thể kể đến tác động mặt trái của kinh tế thị trường, thói quen người dân chưa thay đổi, kẻ xấu lợi dụng, trình độ dân trí, quy định của pháp luật còn chưa cụ thể... Đây là vấn đề cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội, nhưng không thể giải quyết được trong thời gian ngắn nên chúng ta phải kiên trì xử lý việc này. Trước hết phải tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng. " - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện (trả lời chất vất cử tri trong kỳ họp Quốc hội tháng 6/2019) 


Nhận thức lệch lạc

"Trình độ dân trí thấp, nhận thức lệch lạc, thiếu thông tin khoa học, sự tác oai tác quái của những kẻ "buôn thần, bán thánh" đã tạo "đất sống" cho tệ mê tín, dị đoan. Nếu như người dân không cả tin, đủ tỉnh táo để phản biện thì họ sẽ không bỏ công sức, thời gian, tiền của vào những chuyện vô căn cứ như vậy." - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài


Sự mê muội tác động đến nhận thức con người

"Nhìn từ hiện tượng dâng cúng vàng mã tràn lan diễn ra thời gian qua, đủ thấy sự mê muội tác động tới nhận thức của người dân đến mức nào, cũng như ngành sản xuất phục vụ “người âm” đã tiếp sức, cổ súy khiến tình trạng "tả thực" một phong tục mang nhiều tính ước lệ bị đẩy xa đến thế. Đốt vàng mã vô tội vạ không chỉ là biểu hiện của sự lệch lạc về văn hóa, mà còn gây lãng phí tiền của, làm ô nhiễm môi trường." - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, GS Hoàng Chương (Hoàng Nguyên ghi)