“Mềm hóa” giao thông bằng nghệ thuật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết hợp sáng tạo và linh hoạt để nghệ thuật sân khấu "đơm hoa" khi tuyên truyền về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong khán giả, các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hoa Mai thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội đang chứng minh lòng nhiệt tình và sự gắn bó với công việc giàu ý nghĩa này.

Từ bén duyên…

Cải lương Hoa Mai có duyên nợ với công tác tuyên truyền an toàn giao thông, văn hóa giao thông (ATGT - VHGT) từ gần chục năm trước, vào năm 2005, khi Ban ATGT của tỉnh Hà Tây cũ, mời đoàn dựng chương trình "Công nông đâm xe máy". Làm chương trình này, các nghệ sĩ diễn tiểu phẩm về các cháu học sinh phi xe máy nghênh ngang, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, bị tai nạn, chính là để nhắc nhở phụ huynh quản chặt việc đi lại của con cái và tự người lớn hãy gương mẫu chấp hành luật giao thông. 
Một số buổi biểu diễn tuyên truyền an toàn giao thông - văn hóa giao thông của nghệ sĩ Đoàn cải lương Hoa Mai
Một số buổi biểu diễn tuyên truyền an toàn giao thông - văn hóa giao thông của nghệ sĩ Đoàn cải lương Hoa Mai
Sau lần đầu "xuất binh" ấy, Hoa Mai được tín nhiệm mời dựng nhiều tiểu phẩm, trích đoạn, sử dụng những kịch bản có chất lượng hoặc đã đoạt giải từ các chương trình nghệ thuật quần chúng, các liên hoan văn nghệ đề tài ATGT - VHGT. Thời gian đó, phổ biến hình thức "hai trong một": Cùng đến điểm tuyên truyền, cán bộ ngành giao thông lên nói chuyện chính sách, pháp luật trước, liền đó, đến lượt nghệ sĩ biểu diễn. Những chuyến "hai trong một" được tổ chức tại các phường, xã và một số trường học trong thị xã Hà Đông cũ. Các tiểu phẩm, trích đoạn… đã góp phần giúp cho nhiệm vụ tuyên truyền về luật giao thông, các quy định khi tham gia giao thông… của cơ quan chức năng thêm sinh động, không bị khô cứng. 

… đến đồng hành 

Chương trình tuyên truyền ATGT - VHGT bằng hình thức sân khấu hóa được khởi động từ năm ngoái. NSƯT Thu Hoài - Trưởng Đoàn Cải lương Hoa Mai nay là một trong ba đoàn của Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: "Với thời lượng dài hơn, từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng, thêm nhiều tiết mục đã được trình diễn, nhiều nội dung được truyền tải qua như các màn múa hát về nông thôn, những con đường quê, lời cảnh báo không lái xe sau khi uống rượu bia, phê phán nạn đốt rơm rạ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất ATGT, rồi những nội dung khuyến cáo lái đò không chở quá tải, không tham gia giao thông đường thủy khi có giông bão để phòng tránh nguy cơ mất an toàn…".

Cùng với các tiểu phẩm, nghệ sĩ còn chiếu các clip do Ban ATGT TP cung cấp, phổ biến các nội dung pháp luật về giao thông, cùng những thông tin giao thông nổi bật, những con số thương vong do TNGT. Phần giao lưu giữa MC chương trình với khán giả với những câu hỏi, tập trung vào các nội dung đơn giản và cụ thể của luật giao thông được người dân nhiệt liệt hưởng ứng.

Hiệu quả từ nghệ thuật

Bằng nghệ thuật cải lương, các nghệ sĩ đã thể hiện được nhiều câu chuyện sâu lắng, giàu xúc cảm, tác động trực tiếp tới người xem. Thực trạng “nóng” vi phạm hành lang ATGT, những tổn thất, mất mát về người và phương tiện, những thông tin, số liệu từ sách báo… được cụ thể hóa thành những tình huống, diễn biến, những tên người cụ thể, gần gũi với khán giả. Ngoài việc mang những thông điệp tuyên truyền ATGT qua tiểu phẩm đến với người dân vùng nông thôn, đô thị, các nghệ sĩ còn đưa chương trình đến một số đơn vị bộ đội, học viện cảnh sát, liên đoàn lao động, Ủy ban dân tộc… Dư luận nhiều nơi đánh giá cao cách làm của các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hoa Mai. Nếu chỉ nói chuyện pháp luật không thôi thì quả là khó thu hút, nhưng có biểu diễn, có giao lưu với nhiều tình tiết hài hước, có lời ca, điệu nhạc nên nhiều buổi diễn ngoài trời, khán giả ngồi chật sân, xem đến hết. Các địa phương, đơn vị rất tạo điều kiện, lo điện, nước, giữ an ninh trật tự và mời các nghệ sĩ dùng cơm tối. 

Trước kia đi diễn tiểu phẩm kèm với nói chuyện pháp luật, mỗi lần chỉ có một nhóm năm, sáu nghệ sĩ đảm nhiệm. Nay làm chương trình "đầy đặn", thường cả đoàn lên đường với đủ cả: Lắp đặt sân khấu ngoài trời, bố trí âm thanh, ánh sáng, rồi để thêm phần sinh động, các màn diễn phải thêm nhân vật, thêm dàn múa, có đội nhạc ngồi ở dưới "tung hứng". 

Năm 2013, đã có 21 buổi diễn được thực hiện. Năm nay, các nghệ sĩ vừa diễn tại Liên đoàn lao động huyện Sóc Sơn một buổi trong tháng 8. Tháng 9 xong chương trình dàn dựng mới, sẽ tiếp tục đi phục vụ công chúng. Chương trình mới sắp "ra lò" sẽ có nội dung xoay quanh các vấn đề mang tính thời sự như chống lấn chiếm vỉa hè, lật tẩy thủ đoạn bán mũ bảo hiểm kém chất lượng. 

Mong tiếp sức để lan tỏa 

"Hiệu quả từ mô hình này cần được chú trọng hơn!" - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội Tô Hồng nhận định. Ông Hồng hồi làm Trưởng Đoàn Cải lương Hoa Mai khi chưa sáp nhập vào Nhà hát, đã sớm cổ vũ cuộc "bén duyên" cải lương và giao thông. Theo ông, phát triển sớm, được nhiều cấp, ngành, cơ quan, đơn vị ủng hộ, thực sự không dễ. Phải dựng được chương trình gần gũi, mộc mạc, không xa cách để còn lôi cuốn mọi người, nhưng cũng không được dễ dãi, làm kém đi nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp và cũng giảm tác dụng tuyên truyền. Ông Hồng nói: "Biểu diễn tuyên truyền ATGT - VHGT đã trở thành một nét khá đặc thù của cải lương Hoa Mai những năm qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những kinh nghiệm đúc kết được và mong sẽ có nhiều dịp quay lại những nơi đã từng biểu diễn. Bởi việc tuyên truyền luôn cần thực hiện nhiều lần, với những nội dung mới mẻ". 

NSƯT Thu Hoài tâm sự: "Vài chục đêm thì ít ỏi quá, chỉ đến được chừng ấy điểm thôi. Chúng tôi hy vọng sẽ được tạo điều kiện diễn nhiều buổi hơn, để đến được nhiều địa bàn, cũng như có thể dàn dựng thêm nhiều tiết mục, chương trình, có kịch mục đa dạng hơn để điều chỉnh cho phù hợp với các địa bàn nội thành, vùng nông thôn, miền trung du hay sông nước…". Trong ý tưởng của các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hoa Mai, các nội dung ATGT - VHGT nên được phổ biến rộng thêm bằng sân khấu chèo, kịch nói, được sáng tác thành các bài hát thiếu nhi, bài mang phong cách rock, rap… để phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau, đảm bảo hầu hết người xem đều có thể thấy gần gũi, hiểu và thích. 

Trong thời gian tới, Ban ATGT TP Hà Nội sẽ có cuộc trao đổi, tổng kết với Đoàn Cải lương Hoa Mai về hoạt động tuyên truyền những năm qua, để rút ra những điểm mạnh cần đầu tư nhân rộng hơn. Và xa hơn, những chương trình tuyên truyền bằng các môn nghệ thuật sân khấu khác, có sự tham gia biểu diễn của cả nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn các diễn viên quần chúng ở các cơ quan, địa bàn dân cư… cũng rất đáng được khai thác thực hiện.