Mềm hóa khẩu hiệu tuyên truyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã từ lâu nay, việc tuyên truyền ATGT bằng những khẩu hiệu không còn là điều mới mẻ đối với người tham gia giao thông.

Người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ.  	Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Đó là cách làm rất tốt để cụ thể hóa chính sách đến với người dân. Tuy nhiên, giữa những câu khẩu hiệu và hành động thực tế vẫn còn khoảng cách, do đó hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

Ít thu hút sự chú ý

Trên đường phố hiện nay, người tham gia giao thông có thể dễ dàng bắt gặp nhiều câu khẩu hiệu tuyên truyền về ATGT. Mới có, cũ có nhưng có một tồn tại là... ít người xem. Người đi xe gắn máy lướt qua mà không để ý là một chuyện, ngay cả người đi xe đạp tuy đi chậm nhưng cũng ít để ý. Những ngã ba, ngã tư lớn có nhiều băng rôn, khẩu hiệu ATGT cũng khó thu hút được sự chú ý. Anh Hoàng Mạnh Thắng, ở quận Cầu Giấy cho biết, rất ít khi chú ý đến những khẩu hiệu về ATGT vì đơn giản là... ai cũng biết rồi.

Thật sự, các khẩu hiệu về ATGT là việc làm cần thiết để nhắc nhở người dân khi tham gia giao thông, nhưng nội dung chuyển tải đến người dân là những vấn đề đã được nhiều người biết, không có thông tin gì mới và cũng không gây được sự chú ý của người tham gia giao thông. Chính vì vậy, người đi trên đường nếu có đọc được những câu khẩu hiệu đó cũng sẽ dửng dưng và không ghi nhớ được vào trí óc, cũng như không có ý thức làm theo những câu khẩu hiệu đó. Ví dụ như câu khẩu hiệu: "Đã uống rượu bia thì không lái xe". Thông điệp đó rất đúng, nhưng nó không nêu ra được tác hại cụ thể của tác hại và nguy cơ tai nạn khi sử dụng rượu bia. Qua trao đổi ý kiến với một số người dân về khẩu hiệu này, họ đều đồng tình với nội dung của nó nhưng một số ý kiến cho rằng, biết thì biết thế nhưng vẫn... không quan tâm lắm, vì cứ nói chung chung thế thì cũng biết thế thôi (?!). Một số câu khẩu hiệu còn có tác dụng… gây cười và gây ức chế cho người xem, ví dụ như: “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”, cần hạn chế tối đa những câu khẩu hiệu phản tác dụng như vậy, vì vô hình chung nó đánh vào lòng tự trọng của người dân và do đó gây ảnh hưởng xấu tới ý thức người tham gia giao thông.

Quả thật, nếu phân tích từng khẩu hiệu tuyên truyền, mọi người sẽ thấy rõ đây là những câu chữ giống như trong các văn bản, còn khi đem tuyên truyền thì người dân chỉ hiểu nôm na, họ không hiểu bản thân phải làm gì để đạt được kết quả như khẩu hiệu đề ra. Do vậy, khó có thể đồng hành cùng chính quyền thực hiện các biện pháp ATGT, chứ chưa nói gì đến xây dựng văn hóa giao thông.

Những câu khẩu hiệu tuyên truyền về ATGT đã có từ rất lâu và thể hiện là một công cụ đắc lực trong tuyên truyền. Vấn đề là hình thức quá cũ và không còn gây được sự chú ý hay tạo một tiềm thức đối với người tham gia giao thông, đơn giản là vì con người đã quá quen với khoa học công nghệ và họ thấy các khẩu hiệu truyền thống quá nhàm chán.

Cần mềm hóa và tạo ấn tượng mạnh

Câu chuyện khẩu hiệu tuyên truyền về ATGT là việc không mới nhưng đó cũng là một yếu tố không thể bỏ qua trong công tác bảo đảm ATGT tại các TP lớn. Làm sao để người dân nhớ và làm theo các câu khẩu hiệu họ nhìn thấy trên đường là một bài toán không dễ tìm ra lời giải. Bởi người đi đường thường tập trung tối đa vào việc lái xe, vì thế không dễ để một khẩu hiệu có thể gây ấn tượng với họ, nhưng nếu đó là một sự phá cách, dễ nhớ và thiết thực thì sẽ tạo được ấn tượng sâu đậm.

Một vấn đề của các khẩu hiệu tuyên truyền hiện nay là chúng có tính bắt buộc và tính mệnh lệnh. Người viết nên những khẩu hiệu đó không thể sáng tạo nhiều do đã có định hướng tuyên truyền, khiến họ luôn chọn giải pháp an toàn. Nhưng cũng chính vì vậy mà hiệu quả của những câu khẩu hiệu này không được như mong muốn.

Muốn khẩu hiệu đi vào lòng người, phải thay đổi hình thức thể hiện. Với những câu khẩu hiệu trên đường thường chỉ có duy nhất chữ, nên thêm vào đó hình ảnh sinh động để người xem dễ hình dung ra tác hại của TNGT. Hiện cũng đã có một số khẩu hiệu có hình ảnh nhưng không nhiều. Bên cạnh hình ảnh, nên thay đổi hình thức thể hiện của từ ngữ trong khẩu hiệu. Đó có thể là hai câu thơ lục bát, là những từ ngữ có vần điệu. Bên cạnh đó, cần sử dụng các loại hình nghệ thuật của các địa phương, vùng miền để tăng thêm sự hấp dẫn của khẩu hiệu, còn nhắc nhở người dân về bảo tồn văn hóa dân tộc, như dùng vè, ví dặm, quan họ...

Một minh chứng cụ thể cho việc những khẩu hiệu “phá cách” có tác dụng tích cực đến ý thức giao thông của người dân là việc ngày càng có nhiều nhóm thanh niên, sinh viên tình nguyện đưa các câu khẩu hiệu “dễ thương” ra đường tuyên truyền, như: “Lái xe bất cẩn, ân hận cả đời”, hay “Dừng đèn đỏ chứng tỏ văn minh”… Nhìn thấy những khẩu hiệu này, người đi đường rất vui vẻ làm theo.

Bên cạnh đó, cũng nên có các hướng tuyên truyền bằng khẩu hiệu cho các lứa tuổi khác nhau. Lứa tuổi thiếu niên không thể cảm thụ được các câu khẩu hiệu quá nghiêm túc như người lớn, chính vì vậy nên có khẩu hiệu phù hợp với sự trong sáng của học sinh, và nên gắn các câu khẩu hiệu đó với những hoạt động ngoại khóa hay phong trào thi đua, và cần có phần thưởng động viên khích lệ các em. Chẳng hạn, tổ chức cho các em giúp đỡ những người gặp TNGT dẫn đến mất sức lao động, qua đó cho các em thấy được sự nguy hiểm của TNGT. Từ đó có thể gắn với phong trào xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp và bảo đảm ATGT trước cổng trường.

Các khẩu hiệu là phương tiện tuyên truyền mang tính truyền thống, nhưng trong thời đại mới cần phải có những cách làm sáng tạo mới có thể đem lại hiệu quả cao. Không nhất thiết phải xóa bỏ khẩu hiệu trên băng rôn truyền thống nhưng cần xây dựng câu chữ theo hướng thiết thực, cụ thể với cách thể hiện độc đáo, có minh họa trực quan sinh động mà vẫn ngắn gọn, dễ hiểu và cụ thể, có như vậy, người dân mới thực sự "thấm" các khẩu hiệu, góp phần hình thành ý thức khi tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông.
Mềm hóa khẩu hiệu tuyên truyền - Ảnh 1