Mệnh lệnh không lời tỏa sáng

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phòng chống dịch hiệu quả, từ người đứng đầu TP đến cán bộ các cấp đã vào cuộc tích cực, sâu sát, đồng hành cùng cơ sở tại mỗi thời điểm.

Đặc biệt, để các chủ trương, biện pháp mới thẩm thấu, đi vào cuộc sống nhanh nhất, mỗi khi bắt đầu triển khai, Bí thư Thành ủy hoặc Chủ tịch UBND TP đều trực tiếp thông tin trên các phương tiện truyền thông làm rõ những điểm mới, mục đích, yêu cầu, cách thức triển khai, tổ chức thực hiện... Đây là cách thức tận dụng hiệu quả nền tảng truyền thông để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo. Qua đó, không chỉ nhanh chóng thông tin cho người dân, mà còn truyền đạt sớm thông điệp lãnh đạo, chỉ đạo cho hệ thống chính trị từ TP tới cơ sở.
 Hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho người dân khu vực phong tỏa phường Thanh Xuân Trung
Tinh thần sâu sát, gần dân còn thể hiện ở chỗ mỗi khi trên địa bàn xuất hiện các ca bệnh, những điểm nóng, lãnh đạo TP lập tức kiểm tra, chỉ đạo truy vết khẩn trương, kiên quyết. Trong những giai đoạn cam go nhất của dịch bệnh, người dân lại nhắc nhiều về hình ảnh lãnh đạo TP ngày đêm chỉ đạo phòng chống dịch; sát sao thị sát, chỉ đạo ở từng điểm “nóng” của dịch như: Bệnh viện Ung bướu Tân Triều, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm), khu vực chợ Tía (huyện Thường Tín), Chương Dương (Hoàn Kiếm), Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân)… Chính sự xông pha, đi đầu ấy đã trở thành mệnh lệnh không lời, tạo nên chuyển động mạnh mẽ cho cả hệ thống, từ TP đến cấp quận, huyện rồi xã phường, tổ dân phố…

Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy cũng thường xuyên bám sát địa bàn được phân công; liên tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả. Khi xuất hiện những biểu hiện chủ quan, buông lỏng ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, sẽ chỉ đạo phải chấn chỉnh ngay.

Những chỉ đạo, chấn chỉnh liên tục được đưa ra. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh, yêu cầu phòng, chống Covid-19 đang đặt ra ngày càng cấp thiết, cấp bách. Do đó, các quận, huyện không được chủ quan, lơ là, tự mãn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong” và phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ từ “gốc”, bố trí các chốt kiểm soát tới từng ngõ, ngách... Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chung một ý chí, quyết tâm bằng mọi giải pháp phải duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách để từng bước khống chế dịch, đồng thời quan tâm, chăm lo, bảo đảm đời sống người dân. Nhấn mạnh không có sự ủng hộ, tham gia của người dân thì mọi biện pháp phòng, chống dịch đều không thể thành công, Bí thư Thành ủy kêu gọi tất cả người dân trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt giãn cách xã hội. Cụ thể là ở nhà, không ra đường khi không có việc cần thiết, tuân thủ “5K”. Đó chính là việc làm thiết thực nhất để ủng hộ công tác phòng, chống dịch cùng TP...

Đồng thời với đó, trong những ngày qua, vượt qua những sức ép từ dư luận, TP đã mạnh mẽ trong thực hiện những biện pháp khó, chưa có tiền lệ với sự chuẩn bị sẵn sàng, tổ chức tốt. Từ đó nhận được sự đồng hành, ủng hộ của Nhân dân và chỉ sau một số ngày thực hiện, đã cho thấy những hiệu quả rõ nét.

Điểm hình như, để bảo đảm thực hiện phân vùng, ngoài các chốt cứng, Hà Nội đã triển khai 39 chốt trực tại "vùng đỏ". Trong đó có triển khai 21 chốt cấp thành phố tại vị trí có mật độ giao thông cao, 9 chốt do quận, huyện quản lý và 9 chốt do xã, phường, thị trấn quản lý để kiểm soát với các cá nhân, phương tiện lưu thông theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó” đã giảm mật độ người ra đường khi không cần thiết.

Hà Nội cũng kiên trì phương châm truy vết thần tốc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ, không để bùng phát thành ổ dịch lớn. Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những cơ sở, khu vực có nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc đối với những người về từ các địa phương có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần. Đây là biện pháp mũi nhọn nhằm bóc tách triệt để nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng, truy vết F1 để chuyển cách ly tập trung; từng bước làm sạch, chuyển “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh”.

Từ ngày 7 - 15/9, TP đã tận dụng "thời gian vàng" giãn cách, để chạy đua, thần tốc ngăn ngừa dịch bệnh bằng truy vết, xét nghiệm diện rộng, bóc tách hiệu quả các F0 tiềm ẩn ra khỏi cộng đồng. Cùng với đó, triển khai thành công một chiến dịch tiêm vaccine lớn cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao, tạo miễn dịch cộng đồng, với phương châm “vaccine tốt nhất là loại vaccine được tiêm sớm nhất”.

Có thể nói rằng, Hà Nội những ngày này thật đáng nhớ khi cả hệ thống chính trị cùng toàn thể Nhân dân cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh trên một tinh thần cao nhất. Nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp, nhiều việc làm giản dị, nhỏ bé nhưng biết bao ý nghĩa đã thể hiện một thông điệp lớn là mỗi người dân đều có thể tham gia mặt trận chống dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần