Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mệt mỏi với phí ATM

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không rút được tiền, ATM báo lỗi, giao dịch thành công nhưng cây ATM không chịu “nhả” tiền… là những vấn đề mà người sử dụng ATM đang gặp phải. Tuy nhiên, ngoài những phiền toái trên, các "thượng đế" còn phải "cõng" thêm hàng chục thứ phí ATM.

Khổ vì ATM

Trước Tết Nguyên đán, dù các ngân hàng đã lên kế hoạch tiếp quỹ ATM nhưng nhiều khách hàng vẫn phải khóc dở mếu dở vì không thể rút được tiền. Ngày 25 Tết, anh Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên trường ĐH Công nghệ kinh doanh Hà Nội đã phải chạy vòng quanh các cây ATM của Vietcombank từ Lạc Trung, Minh Khai đến Bà Triệu nhưng vẫn không thể rút được tiền. "Tôi chuẩn bị về quê ăn Tết, nên đi rút tiền để mua vé xe. Sợ rút các cây ngoài mất phí nên phải đạp xe lòng vòng tìm cây Vietcombank. Nhưng kết quả là chỉ thấy thêm mệt mỏi. Nghe nói từ 1/3, ngân hàng sẽ thu phí rút tiền nội mạng. Kiểu này chắc tôi sẽ không sử dụng thẻ ATM nữa" - Ngọc  Anh nói.
 

Mệt mỏi với phí ATM - Ảnh 1

 
Các khách hàng phải chịu nhiều thứ phí từ dịch vụ ATM.Ảnh: Hải Linh
 
Chấp nhận mất phí rút tiền ngoại mạng nhưng chị Phan Thúy (Hà Đông, Hà Nội) cũng phải chịu tình cảnh tương tự. Không rút tiền được ở cây chính chủ Techcombank, chị Thúy tìm đến các cây ATM của Agribank, Maritimebank… nhưng tất cả đều "bó tay".

Hết tiền chỉ là một trong rất nhiều những bức xúc mà các chủ thẻ ATM thường gặp. Trước đây, tiền trong các cây ATM phần lớn có mệnh giá lớn, còn gần đây, nhiều ngân hàng đã tiếp quỹ cho ATM bằng tiền mệnh giá nhỏ như 20.000 đồng. Theo quy định, mỗi lần rút tiền, khách hàng không được rút quá 35 tờ. Như vậy, với số tiền mệnh giá 20.000 đồng, mỗi lần, khách hàng chỉ được rút tối đa là 700.000 đồng. Vì quy định phiền toái này mà nhiều khách hàng đã lỡ việc vì không rút được đủ tiền.

"Thẻ nhỏ, phí lớn"

Bên cạnh các phiền toái do những yếu kém về cơ sở hạ tầng trong giao dịch ATM, cái giá phải trả khi sử dụng dịch vụ này cũng khiến nhiều "thượng đế" ngao ngán.

Theo biểu phí mà Techcombank thông báo trên trang web, mỗi loại thẻ ATM phải gánh hơn chục thứ phí khác nhau, từ phí thường niên đến phí duy trì tài khoản, phí làm lại thẻ, phí tra soát khiếu nại… Điều đáng nói là những loại phí này, rất nhiều khách hàng không được thông báo lúc làm thẻ.

Tại các ngân hàng khác, phí truy vấn số dư ở mức khoảng 1.650 đồng/lần, muốn nhận bản sao kê hóa đơn giao dịch từ 10.000 đến 50.000 đồng/hóa đơn. Nếu để mất thẻ, muốn làm lại 50.000 đồng/lần, mất mã pin 35.000 đồng/lần, phí đòi bồi hoàn thiệt hại 50.000 đồng/giao dịch, phí VAT, phí chuyển khoản nội mạng…

Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều khách hàng, phí dịch vụ sử dụng thẻ quá cao, nhất là đối với thẻ tín dụng visa. Anh Hoàng Sơn (Bà Triệu, Hà Nội) - một chủ thẻ Techcombank Visa ngã ngửa khi nhân viên ngân hàng đưa danh bạ thanh toán, số tiền 1,8 triệu đồng trả tiền ăn tại nhà hàng lại thành gần 2 triệu đồng do cộng thêm phí sử dụng.

Biểu phí thẻ tín dụng tại nhiều ngân hàng cũng cao ngất ngưởng. Tại Maritimebank Platinum, mức phí thường niên của thẻ tín dụng lên tới 1,2 triệu đồng/năm. Còn muốn rút tiền mặt, mức phí trung bình 3%/ tổng số tiền mỗi lần rút.

Theo bà Lại Huyền Linh, Giám đốc Trung tâm Thẻ GPBank, việc thu phí khi sử dụng dịch vụ là điều mà các ngân hàng đều hướng tới. Tuy nhiên, mức phí phải tính toán sao cho phù hợp và phải có một lộ trình thích hợp theo chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ.

Ở một góc độ khác, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, trong thời điểm người lao động vật lộn với hàng loạt chi phí liên tục tăng như hiện nay, nên cân nhắc khi đặt thêm các loại phí vào thời điểm này, đồng thời phải xem xét lộ trình tăng phí ATM nội mạng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra có thuyết phục không. Nếu không chính các chủ thể sẽ quay lưng với dịch vụ ATM. Nên có sự chia sẻ giữa ba bên, tránh việc chỉ tập trung vào giải pháp thu phí chủ thẻ.