Mệt mỏi với thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá nhiều khiến DN mệt mỏi, đó là ý kiến được đưa ra tại...

Kinhtedothi - Thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá nhiều khiến DN mệt mỏi, đó là ý kiến được đưa ra tại cuộc gặp gỡ giữa Tổng cục Hải quan với các DN về những nội dung nhằm đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) ngày 17/8. Những khó khăn, vướng mắc này sẽ được báo cáo trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ để có đánh giá và hướng tháo gỡ, tạo thuận lợi tối đa cho DN.

Kiểm tra nhiều

Nhiều DN đã thẳng thắn nêu lên những rào cản mà họ đang gặp phải trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Mặc dù việc kiểm tra để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết nhưng nhiều quy trình, yêu cầu đang thừa, lãng phí công sức, tiền bạc của DN.

 
Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hùng
Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hùng
Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng An Đô - đơn vị chuyên nhập khẩu (NK) thuốc bảo vệ thực vật cho biết, hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuốc bảo vệ thực vật khiến DN mất khá nhiều thời gian. Cụ thể, DN phải có kết quả kiểm tra chất lượng rồi mới được đưa hàng về kho bảo quản, DN phải xin giấy phép của Cục Bảo vệ thực vật, để xin giấy phép đó phải mất khoảng 3 ngày, tốn kém chi phí đi lại, thời gian. “Thực tế, nhiều quy trình kiểm tra chỉ mang tính hình thức, gây tốn kém cho cả DN lẫn cơ quan quản lý” - đại diện DN này chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều DN cho rằng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành cần được cải thiện. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may, DN thường phải NK nguyên liệu gia công may mặc như lông vũ, lông cáo, lông gấu (đã qua xử lý) để làm hàng jacket xuất khẩu (XK). Những mặt hàng này đã có chứng nhận kiểm dịch động vật và C/O từ phía nước XK. Thường thì các nước XK là thành viên Công ước CITES và khách hàng cũng gửi tên khoa học không thuộc danh mục chủng loại cấp trong danh mục CITES. Tuy nhiên, khi hàng về, DN NK vẫn phải xin kiểm dịch động vật từ Cục Thú y, đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu nhập và xin giám định sinh thái tên gọi, tên khoa học gửi mẫu lên Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để xác định chủng loại.

Nhận thức đúng để sửa đổi

Ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia tư vấn dự án GIG cho biết, tổ chức này khảo sát tại một số cửa khẩu cảng, sân bay, tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rất cao, khiến thời gian thông quan hàng hóa vẫn còn chậm. Tại Chi cục Hải quan Cảng Hải Phòng khu vực I, tỷ lệ các lô hàng NK phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành so với tổng số tờ khai NK năm 2014 là 42,2%, 6 tháng đầu năm 2015 là 44,56%. Về cơ bản, tình hình quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK chưa được cải thiện trong hơn một năm qua. Vấn đề này xuất phát từ những bất cập trong hệ thống chính sách, văn bản pháp luật hiện nay. Hệ thống văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành quá nhiều nhưng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Danh mục hàng hóa phải kiểm tra quá rộng, thời gian cấp phép, kiểm tra dài...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, ngành hải quan mong muốn các bộ, ngành trực tiếp nghe ý kiến DN, của những người làm trực tiếp thủ tục tại cửa khẩu để có những giải pháp thay đổi quy trình. Sau hội thảo này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật cũng như các quy trình thực hiện để từ nay đến cuối năm phải có sự thay đổi về thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời cho rằng, vấn đề mấu chốt để đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK là nhận thức đúng để sửa đổi.

Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, đơn vị được Chính phủ giao theo dõi, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ lắng nghe và ghi nhận các ý kiến từ DN và báo cáo trực tiếp những khó khăn, vướng mắc của DN lên Thủ tướng Chính phủ. Đại diện CIEM cho rằng, trong thời gian tới cần có những diễn đàn để các DN có thể chia sẻ những vấn đề mình đang gặp phải, qua đó các cơ quan quản lý cần có sự tiếp thu, có ngay những giải pháp nhằm tăng sức cạnh tranh cho DN, cho nền kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần