Meta chính thức nhận án phạt hơn 400 triệu USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty mẹ của Facebook - Meta bị áp đặt hai khoản tiền phạt hơn 400 triệu USD do vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR).

Theo đó, ngày 4/1, Ủy ban bảo vệ dữ liệu (DPC) Ireland cho biết Meta bị buộc phải nộp 2 khoản tiền phạt, một là khoản tiền phạt 210 triệu euro (222,5 triệu USD) do vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu, gọi tắt là GDPR, hai là khoản tiền phạt 180 triệu euro (191 triệu USD) liên quan đến vi phạm tương tự trên Instagram. Tổng số tiền phạt lên tới 390 triệu euro (414 triệu USD).

Facebook chính thức nhận án phạt hơn 400 triệu USD. Ảnh minh họa
Facebook chính thức nhận án phạt hơn 400 triệu USD. Ảnh minh họa

Những khoản tiền phạt này là kết luận của 2 cuộc điều tra kéo dài về Meta, do cơ quan quản lý Ireland thực hiện, từng bị chỉ trích nặng nề vì sự chậm trễ trong quá trình điều tra. DPC bắt đầu điều tra công ty Meta ngày 25/5/2018, ngày GDPR của EU có hiệu lực thi hành.

Trong phán quyết ngày 4/1, DPC tuyên bố, Meta phải tuân thủ các hoạt động xử lý dữ liệu theo quy định của GDPR trong vòng 3 tháng. Cơ quan giám sát là cơ quan quản lý hàng đầu của Meta và một số doanh nghiệp công nghệ khổng lồ khác của Mỹ, có trụ sở chính tại Ireland.

Cùng ngày, Meta thông báo sẽ kháng cáo phán quyết trên: “Đã có sự không rõ ràng về quy định đối với vấn đề này. Do đó, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với phán quyết trên. Công ty tin rằng đã tuân thủ các nội dung thuộc GDPR.

Trước đây, Meta căn cứ vào sự đồng ý của người dùng để xử lý thông tin các tài khoản người dùng cho mục đích quảng cáo hành vi. Nhưng sau khi GDPR có hiệu lực, công ty đã thay đổi các điều khoản dịch vụ trên nền tảng Facebook và Instagram, đồng thời thay đổi cơ sở pháp lý, trên cơ sở đó xử lý thông tin thành điều khoản “cần thiết theo hợp đồng”.

Điều này có nghĩa là Meta buộc người dùng phải chấp nhận thông tin của họ bị sử dụng cho mục đích quảng cáo hướng đối tượng, đổi lấy việc có thể sử dụng nền tảng để với mục đích quảng cáo, bán hàng trên nền tảng này.

Tháng 12 năm ngoái, Ủy ban bảo vệ dữ liệu châu Âu, cơ quan điều phối hành động pháp lý về quyền riêng tư dữ liệu trên toàn khối, cho biết Meta không có quyền sử dụng hợp đồng làm cơ sở pháp lý để xử lý dữ liệu người dùng cho mục đích quảng cáo hướng đối tượng. Do đó, hoạt động quảng cáo của công ty bị coi là bất hợp pháp.