Miền Bắc đón đợt rét tăng cường, mưa đá gây thiệt hại nặng tại các tỉnh miền núi

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, từ đêm mai (19/3), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16 -19 độ C, vùng núi cao dưới 12 độ C. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

Lực lượng chức năng và bà con xã Ngọc Chiến (Mường La) giúp các gia đình tháo dỡ, vận chuyển tài sản sau gió lốc. Ảnh: Báo Sơn La.
Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư thông tin, hiện nay ở phía Bắc nước ta có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, từ chiều tối và đêm mai (19/3), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều tối mai ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông; từ ngày 20/3 ở Trung Trung Bộ có mưa rào và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Từ chiều tối mai gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Từ đêm mai, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16 - 19 độ C, vùng núi 13 - 15 độ C, vùng núi cao dưới 12 độ C. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

TP Hà Nội từ tối mai có mưa rào và dông; từ đêm mai trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16 - 19 độ C. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Ở vịnh Bắc Bộ từ tối và đêm mai gió chuyển hướng đông bắc cấp 6, giật cấp 8, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) từ đêm mai có gió đông bắc cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh; từ ngày 21/3, ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và Nam Bộ có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, biển động.
Mái tôn một số cửa hàng kinh doanh trên đường Trường Chinh TP Bắc Kạn bị hư hỏng sau trận mưa đá. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)
Liên quan đến hiện tượng dông lôc, mưa đá xảy ra tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc trong đêm 17 rạng sáng 18/3, theo thống kê bước đầu của Ban Chỉ huy phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn huyện Mộc Châu (Sơn La), trận mưa to kèm theo gió lốc và mưa đá xảy ra đêm 17/3 khiến 20 nhà ở tại thị trấn Nông trường Mộc Châu và 2 nhà ở bản Nà Kiến, xã Đông Sang bị tốc mái; 1 nhà ở của hộ dân bản Suối Đôn bị sập đổ và 1 nhà ở bản Ta Lanh, xã Hua Phăng bị nghiêng phải di dời khẩn cấp; 150ha mận hậu, bơ và 8ha rau ở thị trấn Nông trường Mộc Châu và xã Đông Sang bị gió lốc và mưa đá làm rụng hoa, quả non, cây rau màu bị dập nát, với mức độ thiệt hại từ 30 - 50%.

Hiện nay, Ban chỉ huy Phòng chống bão lũ và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mộc Châu đã thành lập các đoàn tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả tại các địa bàn bị thiệt hại. Cùng với đó, huy động lực lượng tại chỗ triển khai di chuyển nhà ở có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Mưa đá tại huyện Mộc Châu.
Trong khi đó, theo báo cáo từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, rạng sáng 18/3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra giông lốc và mưa đá trên diện rộng.
Trận mưa đá diễn ra khoảng hơn một giờ đồng hồ, kích thước đá dao động từ 0,5 - 2,5cm, mưa đá chủ yếu ở địa bàn TP Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn. Tại TP Bắc Kạn, mưa đá và gió lốc đã làm gãy đổ 2 cột điện, tốc mái hơn 26 nhà dân, không có thiệt hại về người. Nhiều khu vực ở các tổ 2, 9 phường Sông Cầu; tổ 10, 11 phường Phùng Chí Kiên đất sạt, bùn đất tràn vào nhà nhiều hộ dân, nhiều điểm ngập úng cục bộ. Đối với nông lâm nghiệp, mưa đá gây thiệt hại một số diện tích rau màu, cây ăn trái đang độ ra hoa; một số diện tích lúa mới cấy ở phường Huyền Tụng bị ngập.

Tại huyện Chợ Đồn, mưa đá diễn ra ở các xã Đông Viên, thị trấn Bằng Lũng, Đại Sảo. Thống kê sơ bộ thiệt hại hơn 0,6ha ngô đang ra lá và một số diện tích rau màu. Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục khẩn trương tiến hành công tác thống kê thiệt hại để lên phương án giúp đỡ, hỗ trợ người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần