|
Một ngôi nhà 2 tầng bị sạt lở chực rơi xuống lòng sông Đà tại TP Hòa Bình. Ảnh: Báo Hòa Bình. |
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ nên trong ngày 1/8 ở Bắc Bộ đã có mưa rào và dông trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 5 - 15mm, có nơi cao trên 20mm như Mù Cang Chải (Lào Cai) 24mm, Cao Bằng 21mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 24mm, Nho Quan (Ninh Bình) 25mm.
Dự báo, ngày 2/8 ở Bắc Bộ còn có mưa rào và rải rác có dông; khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 5/8 khu vực Hòa Bình có lúc có mưa rào và dông (lượng mưa không lớn). Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh; ngập úng ở vùng trũng, thấp tại tỉnh Ninh Bình và TP Hà Nội.
Về tình hình thiệt hại của các địa phương, theo báo cáo sáng 2/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, TP Hà Nội hiện có 3.683 nhà bị ngập dưới 2m (huyện Chương Mỹ).
Diện tích lúa bị thiệt hại 3.241,3 ha, rau màu bị thiệt hại 586,8 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 1013,7 ha, gia súc, gia cầm bị chết, thất lạc 109.465 con; chiều dài kênh mương bị hư hỏng 11.910 m; chiều dài đê, hồ, đập bị sạt lở 12.110 m; Theo báo cáo của EVN hiện nay Công ty Điện lực Chương Mỹ đã cấp điện trở lại được 259 hộ/962 hộ.
Tại Bắc Kạn, đã có 1 người chết do sét đánh tại huyện Ngân Sơn (ông Dương Văn Minh 21 tuổi, dân tộc Mông, trú tại thôn Khuổi Luông, xã Lãng Ngâm); bên cạnh đó đã xảy ra sạt lở đất với khối lượng khoảng 50m3 đất đá tại khu vực dân cư tổ 4, phường Đức Xuân,
TP Bắc Kạn.
|
Căn nhà 2 tầng tại phường Đồng Tiến bị nứt làm đôi. Ảnh: Báo Hòa Bình. |
Theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên địa bàn TP Hoà Bình có tổng số 38 điểm sạt lở, với khối lượng đất đá ước khoảng 15.000m3. Trong tổng số 70 nhà bị ảnh hưởng thuộc 10/14 xã, phường, có 11 nhà bị sập hoàn toàn, 59 nhà bị sập một phần và rạn nứt. Đặc biệt, tại khu vực tổ 22 và tổ 26 phường Đồng Tiến có 9 nhà bị sập hoàn toàn, 10 nhà bị sập một phần, 9 nhà bị nứt và có nguy cơ sạt lở cao… Trong khi đó ngập úng và tràn đất đá trên 200 ha lúa và hoa màu, 110 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 39 tấn cá.
Các cơ quan chức năng đã tiến hành di dời 79 hộ, 268 nhân khẩu. TP Hòa Bình đã huy động 1.350 lượt người, 15 xe, 1 thuyền tham gia nạo vét đất đá, khơi thông cống rãnh và hỗ trợ các hộ dân đến nơi ở mới an toàn. TP Hòa Bình cũng trích kinh phí 62 triệu đồng thăm hỏi, động viên các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.
|
Vết nứt đe dọa 1 hộ dân tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Vietnamnet. |
Theo phản ánh của báo chí, hiện nay trên tỉnh lộ 445 đoạn qua xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có một vết nứt dài cả trăm mét và rất rộng. 15 nhà dân sinh sống gần đây bị ảnh hưởng, có nguy cơ đổ sập xuống sông Đà.
Ngay sau khi phát hiện sự cố, chính quyền địa phương đã cấm đường không cho người và phương tiện lưu thông qua đoạn đường nguy hiểm này. Hiện xã đã di chuyển khẩn cấp 8/24 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Còn tại TP Hòa Bình, khu vực phía đông đồi ông Tượng và tổ 4,5,6 phường Chăm Mát, tổ 4 phường Thái Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2017 và hoàn lưu cơ bão số 3 năm 2018 khiến khu vực trụ sở các cơ quan tỉnh nằm bên sườn đồi phía đông đồi ông Tượng trên mái dốc đã xuất hiện 18 vết nứt có chiều rộng từ 2 đến 15 cm, dài từ 10 đến 90 m và hình thành cung sạt trượt kéo dài hơn 300m, rộng 200m, chiều sâu cung trượt dự kiến khoảng 30m, hình thành khối trượt ước tính khoảng 1,8 triệu mét khối đất đá và đã bị dịch chuyển xuống dưới với biên độ dịch chuyển từ 5 đến 80cm. Khối lượng trượt cũng làm nghiêng cột điện 110Kv và hệ thống tường chắn phía sau công trình Trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh đang xây dựng bị biến dạng mạnh, nứt vỡ. Các công trình khác của các Ban xây dựng Đảng tỉnh, nhà làm việc của Tỉnh ủy, hội trường Tỉnh ủy cũng bị ảnh hưởng...
Từ tháng 10/2017 đến nay, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp với tổ chuyên gia, các sở, ban, ngành để xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt, trượt và đưa ra giải pháp khắc phục, xử lý. Dự án xử lý cấp bách khối lượng sạt trượt khu vực phía đông đồi ông Tượng và các tổ 4,5,6 phường Chăm Mát, tổ 4 phường Thái Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Các biện pháp thi công như đào bạt mái giảm tải; gia cố mái dốc; xử lý nước mặt, nước ngầm, khoan nhồi cọc đang được triển khai, giá trị khối lượng hoàn thành ước khoảng 30 tỷ đồng. Do vừa thiết kế, vừa thi công, thời tiết mưa nhiều, kinh phí cấp chưa kịp thời… đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.