Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miến dong Dương Liễu: Chú trọng sản xuất với bảo vệ môi trường

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Manh nha từ những năm 1960, nghề sản xuất miến đến nay vẫn là nguồn thu nhập quan trọng đối với người dân xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức).

Cùng với phát triển sản xuất, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và bảo vệ môi trường cũng được người dân nơi đây hết sức chú trọng. 

Doanh thu chưa ổn định

“Cứ đi dọc con đường đê, tới đoạn nào người dân phơi nhiều miến ven đường là tới xã Dương Liễu” – anh xe ôm đứng đầu cầu vượt tả Đáy trả lời khi chúng tôi hỏi đường về làng nghề truyền thống sản xuất miến. Tại xưởng sản xuất rộng trên 200m2 thuộc đội 9 (xã Dương Liễu), vợ chồng anh Đức – chị Phượng cùng 3 nhân công đang tất bật cho ra lò những mẻ miến mới. Anh Đức cho hay, ngày nào cũng phải dậy từ khoảng 5 giờ sáng, làm liên tục cho tới gần trưa. Mỗi ngày gia đình anh sản xuất khoảng 150kg miến. Cùng với gạo, dong riềng và đót là nguyên liệu chính được người dân xã Dương Liễu sử dụng để làm miến.
Xưởng sản xuất của gia đình anh Đức - chị Phượng ở đội 9, xã Dương Liễu.
Xưởng sản xuất của gia đình anh Đức - chị Phượng ở đội 9, xã Dương Liễu.
Xã Dương Liễu hiện có khoảng 3.100 hộ dân. Vào dịp cận Tết, cả xã có đến 2/3 số hộ tham gia làm nghề. Mỗi năm, doanh thu trung bình luôn đạt xấp xỉ 200 tỷ đồng. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân xã Dương Liễu, nghề làm miến còn giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn xã và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “phần nổi” của câu chuyện thu nhập từ nghề làm miến nơi đây. Một số hộ dân tham gia làm miến chia sẻ, trừ dịp cận Tết, trong năm, việc tiêu thụ miến rất chậm. Anh Nguyễn Danh Lân, ở đội 5 (xã Dương Liễu) cho biết, việc sản xuất và tiêu thụ miến của các hộ trên địa bàn vẫn chủ yếu là tự phát. Hầu hết sản phẩm hiện chưa có bao bì, nhãn mác. Cùng với nhu cầu thị trường đang có xu hướng giảm khiến thu nhập từ nghề làm miến khá bấp bênh, thiếu ổn định. Những năm gần đây, nam nữ thanh niên trên địa bàn học hành rồi ra ngoài làm công, chẳng còn mấy người theo nghề cha ông… 

Hưởng tới sản xuất sạch hơn

Bên cạnh việc duy trì sản xuất, đảm bảo ATVSTP và VSMT được người dân trên địa bàn hết sức quan tâm. Ông Nguyễn Bá Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết, hàng năm, xã duy trì phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức 4 – 5 lớp tập huấn về ATVSTP cho các hộ sản xuất. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và ý nghĩa của việc sản xuất thực phẩm sạch đối với “sự sống còn” của làng nghề.

Là làng nghề chế biến nông sản, vấn đề môi trường phát sinh là khó tránh khỏi. Nhận thức được vấn đề này, địa phương đã đề xuất và được UBND TP phê duyệt quy hoạch điểm công nghiệp rộng 12ha. Dự án đang được triển khai, khi hoàn thành có thể đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho khoảng 300 hộ. Ngoài ra, định kỳ hàng quý, xã phối hợp với cơ sở y tế phun thuốc khử trùng, phòng trừ dịch bệnh. Ông Hưng cho biết thêm, được sự quan tâm của UBND TP, dự án xử lý nước thải cụm sản xuất Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai cũng đang được tích cực triển khai. Đây sẽ là giải pháp căn cơ nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của quá trình sản xuất miến tới môi trường sống của người dân. 

Liên quan tới bài toán phát triển làng nghề, ông Hưng cho hay, xã đang xúc tiến việc đăng ký thương hiệu miến chung cho toàn xã. Việc hỗ trợ vốn, cũng như tập huấn sản xuất cho các hộ cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra đang thực sự là thách thức lớn đối với sự phát triển của làng nghề miến dong Dương Liễu.