Nhiều nghệ nhân kể, ngày trước người Hà Nội ăn miến lươn trong những bát nhỏ, thường là bát chiết yêu, bây giờ dù không còn thấy hàng nào dùng loại bát đấy nữa và hương vị của miến lươn cũng thay đổi ít nhiều, nhưng vẫn mang chất cầu kỳ như bất kỳ món ăn nào của Hà Nội.
Miến lươn phổ biến là vậy nhưng cách thức chế biến của món ăn này không hề đơn giản. Để có được tô miến ngon, người đầu bếp phải tập trung, kiên nhẫn và rất khéo léo trong khâu chế biến lươn và nước dùng. Lươn sau khi làm sạch, tẩm ướp gia vị, sẽ được rán vàng giòn (lươn giòn), hoặc xào săn lại mà vẫn phô màu vàng óng của da lươn (lươn mềm). Hành hoa và rau răm thái nhỏ thường thái trước khi cho vào bát để giữ mùi thơm. Miến sau khi rửa sạch, chần nước sôi, được chần lại vào nồi nước dùng lươn màu nâu nâu cho miến nở, thấm độ đậm, ngọt của nước dùng rồi cho vào bát. Miến lươn thường có hai loại là miến nước và miến trộn. Với món miến nước, miến sẽ được chan nước dùng được ninh từ xương lươn, thêm giá đỗ, nấm hương, mộc nhĩ, và rau mùi. Còn miến trộn, miến được xào săn chắc trước khi đưa vào bát cùng với lươn đã xào chín, giá, rau răm, tía tô, có thể ăn với ớt chưng và một chút dấm tỏi ớt. Miến thấm đượm nước dùng, thịt lươn xào săn ăn hơi dẻo rất rõ vị lươn, lại được tẩm ướp nên thơm mùi tiêu và mùi nước mắm ngon thật hấp dẫn.
Món miến có thể ăn vào các mùa, ăn chơi hoặc ăn bữa chính và Hà Nội có những quán miến lươn luôn được nhắc tới như một địa chỉ không thể bỏ qua như miến lươn Yên Ninh, miến lươn 34 Lê Đại Hành, miến lươn Tân Tân, miến lươn Đông Thịnh… Đặc biệt, nhiều người hay nói đến miến lươn trên phố Phủ Doãn, bởi những khúc lươn giòn tan quyện lẫn trong nước sốt đậm đà được chế biến theo công thức riêng của chủ hàng có vị chua chua, ngọt ngọt rất hấp dẫn. Mỗi nhà hàng mỗi vẻ, và từ những quán sang trọng đến bình dân, miến lươn luôn là một thức quà không thể thiếu trong ẩm thực Hà thành.