Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miễn thi ngoại ngữ: Tùy từng trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh có nhu cầu được công nhận tốt nghiệp...

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh có nhu cầu được công nhận tốt nghiệp THPT khi có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, những thí sinh này đăng ký xét tuyển vào ĐH khối ngành có môn ngoại ngữ, thì những chứng chỉ ấy không giá trị bởi tùy thuộc vào quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

Có chứng chỉ vẫn phải thi

Đa số các trường ĐH top trên sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ tuyển sinh đều ủng hộ Bộ GD&ĐT miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp. Chủ động học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ ngay từ khi còn học phổ thông đã chứng tỏ sự chủ động, năng động, yêu thích ngoại ngữ của các em.
Thí sinh làm thủ tục thi đại học năm 2014
Thí sinh làm thủ tục thi đại học năm 2014
Có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi môn học này là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng mà các em được nhận. Còn, dùng các chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH thì các trường không thể, vì không biết xử lý thế nào việc quy ra thang điểm 10 truyền thống của Việt Nam. Bởi thế, ông Lê Quốc Hạnh - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hà Nội cho biết: “Là trường chuyên đào tạo các ngành ngoại ngữ cho nên bây giờ chúng tôi chưa thể quyết định được điều gì, đành phải chờ quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành vào năm 2015 làm căn cứ”.

Các trường ĐH khối ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin có xét tuyển các môn thi A1, D, tổ hợp gồm có môn ngoại ngữ cũng cho biết không sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển sinh vào ĐH. Lý do bởi điểm thi tốt nghiệp và chứng chỉ ngoại ngữ rất khác nhau.

 PGS Hoàng Minh Sơn - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, trường ĐH muốn dùng chứng chỉ ngoại ngữ thì phải quy đổi sang thang điểm 10. Nhưng chúng ta không có cơ sở quy đổi. Nếu quy đổi không cẩn thận sẽ thiệt thòi cho các em có chứng chỉ hoặc những em thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ để đăng ký xét tuyển vào ĐH. Hơn nữa, tuyển chọn vào ĐH thường theo kiểu cạnh tranh, xét những thí sinh đạt điểm cao nhất từ trên xuống dưới đến khi đủ chỉ tiêu để thể hiện sự công bằng.

 Đồng quan điểm, PGS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nói: Hệ thống quy đổi khác nhau nên không thể quy đổi chính xác. Chúng tôi dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển là chọn trên cùng đồng mức, khó - khó đều, dễ - dễ đều. Cho nên những em nào muốn đăng ký xét tuyển vào khối A1 và D của Học viện chúng tôi, cho dù có chứng chỉ ngoại ngữ thì vẫn phải thi. Một trong những lý do khác khiến các trường không dám dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển là bởi băn khoăn không biết chất lượng của các loại chứng chỉ thế nào, tình trạng mua chứng chỉ liệu có xảy ra?

Bộ không nên miễn

Việc Bộ GD&ĐT đưa ra các chứng chỉ để miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp, nhưng lại không kèm theo quy ra thang điểm của Việt Nam khiến nhiều HS có chứng chỉ lo lắng. Không biết, các em có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4.0 điểm hay chứng chỉ các môn ngoại ngữ tiếng khác là đạt điểm 8, 9 hay điểm 10, để cộng với điểm thi 3 môn học khác để ra kết quả tốt nghiệp THPT loại trung bình, khá hay giỏi? PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh đề nghị Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm 2 vấn đề. Thứ nhất, Bộ quy định những HS, học viên không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì được thay thế bằng môn thi khác. Thế nhưng, Bộ không nói cụ thể điều kiện thế nào được thay thế bằng môn thi khác? Khi trường này dạy ngoại ngữ tốt, nhưng có một cô giáo bị phản ánh dạy HS không hiểu bài thì cho phép chuyển môn thi khác sao? Bộ vừa ra công văn quy định các chứng chỉ miễn thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp được vài hôm, thì lại điều chỉnh.

“Bộ không cần phải đưa ra quy định miễn thi môn ngoại ngữ. Bởi những em đã học tốt môn này, có được chứng chỉ một cách thực sự, chỉ cần ôn tập một chút là dễ dàng làm bài thi đạt điểm cao. Còn những em chưa học giỏi ngoại ngữ thì phải cố gắng học và ôn thi. Quy định có chứng chỉ được miễn thi ngoại ngữ rất có thể gây ra tình trạng không chịu học thay vào đó là cách mua chứng chỉ”- PGS Văn Như Cương đề nghị.

Đồng tình với quan điểm với thầy Cương, PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng: Điều quan trọng không phải là chứng chỉ này nọ, mà các em học tốt cho mình. Các em học phổ thông, có thi giữa kỳ và hết học kỳ đạt yêu cầu cũng là có chứng chỉ quốc gia. Chứng chỉ tiếng Anh chưa chắc đã bằng chứng chỉ học kỳ môn học khác ở trường phổ thông. Thi ĐH là đánh giá mặt bằng chung để xét tuyển thì công bằng mới là điều quan trọng.

Do đó, tại thời điểm này, khi Bộ GD&ĐT chưa có quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, các chuyên gia giáo dục khuyên các em HS có chứng chỉ ngoại ngữ hãy học tập cho tốt để đi thi đạt điểm cao. Tất nhiên, khi các em có chứng chỉ, nếu được trúng tuyển vào trường ĐH, các em sẽ được tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Chẳng hạn như xét học bổng, được chọn vào học những chương trình chất lượng cao có yêu cầu về ngoại ngữ, được miễn học ngoại ngữ…