Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vaccine: Cơ hội giúp sớm kiểm soát dịch Covid-19

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên Hợp quốc đã cảnh báo rằng sự bất bình đẳng về vaccine giữa các quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi để đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan và làm tăng cơ hội xuất hiện thêm các biến thể mới “né” các loại vaccine hiện tại.

Sau khi nhận được sự ủng hộ của Mỹ về việc miễn trừ quyền sở hữu vaccine ngừa Covid-19, việc các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khởi động các cuộc đàm phán được đánh giá là một bước tiến cho việc phân phối vaccine trên toàn cầu.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã kêu gọi các nước ủng hộ đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vaccine Covid-19 của Ấn Độ và Nam Phi. Ảnh: AP
Theo kế hoạch, đại hội đồng WTO và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ có cuộc họp từ ngày 27 - 28/7 để xem xét việc miễn quyền sở hữu vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh biến thể nguy hiểm Delta đã có mặt tại hơn 100 quốc gia. Trước đó, hôm 30/6, đại hội đồng WTO đã có cuộc họp đầu tiên để thảo luận về phạm vi của việc miễn trừ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS).
Nhằm đối phó với sự biến đổi nhanh chóng của virus SARS-CoV-2, hàng chục quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển, đã kêu gọi tạm thời từ bỏ các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19.
Hồi tháng 10/2020, hai nước khởi xướng chủ đề này là Ấn Độ và Nam Phi đã nộp văn bản đề xuất cấp miễn trừ tạm thời một số nghĩa vụ phát sinh từ TRIPS để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không lo ngại vi phạm bằng sáng chế. Đề xuất kêu gọi việc miễn trừ được thực hiện ít nhất trong vòng ba năm kể từ ngày ra quyết định.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến trên của Ấn Độ và Nam Phi. Hiện nay, khoảng hơn 100 quốc gia ủng hộ đề xuất tạm thời bỏ bản quyền vaccine Covid-19, quan trọng là đã có được sự đồng ý từ phía Mỹ.
Hôm 21/7, WHO cũng lên tiếng trấn an các công ty dược phẩm rằng đề xuất tạm thời miễn bản quyền sáng chế đối với vaccine ngừa Covid-19 không phải là một nỗ lực để "giật" quyền sở hữu trí tuệ của họ. “Dịch Covid-19 đã khiến hơn 4 triệu người tử vong và con số có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, đồng thời hối thúc các nhà sản xuất vaccine đồng ý tạm thời từ bỏ quyền sở hữu đối với vaccine ngừa Covid-19.
Theo lãnh đạo WHO, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine Covid-19 sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu có được 11 tỷ liều vaccine để tiêm cho khoảng 70% người dân trên toàn thế giới vào giữa năm 2022.
Phát biểu khai mạc Đối thoại cấp cao về “Mở rộng sản xuất vaccine Covid-19 nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng” hôm 21/7, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweal cho biết, trong tổng số 1,1 tỷ liều vaccine được sản xuất trên toàn cầu vào tháng 6 vừa qua, chỉ 1,4% số vaccine này được chuyển đến khu vực châu Phi, nơi chiếm 17% dân số toàn cầu".
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, “chìa khóa” mở kho vaccine thế giới hiện xoay quanh đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ, hay bản quyền vaccine. Việc dỡ bỏ bản quyền sẽ cho phép sản xuất vaccine với liều lượng nhiều hơn và giá thành thấp hơn.
Các nhà sản xuất dược phẩm ở Bangladesh, Canada, Đan Mạch và Ấn Độ cho biết, họ có khả năng sản xuất vaccine Covid-19, nhưng họ không thể thực hiện được do lo ngại vấn đề bản quyền.
Bên cạnh đó, công ty sản xuất thuốc điều trị ung thư Biolyse ở Canada nói rằng họ là một trong số ít công ty trong nước có khả năng sản xuất vaccine Covid-19, nhưng những hạn chế về quyền sở hữu khiến họ không thể sản xuất được vaccine.
Tuy nhiên, ngoài cái gọi là “công thức” vaccine, các nhà sản xuất tiềm năng cũng sẽ yêu cầu được tiếp cận với bí mật thương mại hoặc kiến thức và công nghệ cần thiết để sản xuất vaccine. Trong khi đó, WTO không có quyền buộc các công ty dược phẩm như Pfizer và Moderna, những công ty sản xuất vaccine Coivd-19 sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA), chia sẻ bí quyết này với các công ty khác.
Nam Phi gần đây cho biết, nước này sẽ tổ chức trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA đầu tiên trong sản xuất vaccine Covid-19 tại châu Phi, với sự hỗ trợ của WHO. Mục tiêu là mở rộng quy mô sản xuất và tiếp cận với vaccine Covid-19.