Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miền Trung gồng mình ứng phó với mưa lũ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 5/10 đến nay, mưa lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh miền Trung. Nhiều địa phương đã phải báo cáo đề xuất được hỗ trợ khẩn cấp.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Vân Dung
Hàng trăm hộ dân mất nhà cửa, phải sơ tán
Những ngày qua, tại các tỉnh miền Trung ghi nhận lượng mưa rất lớn khiến nhiều xã, phường chìm trong biển nước. Các địa phương đã phải tổ chức sơ tán tổng số 21.785 hộ với 66.569 người dân đến nơi tránh trú tạm thời. Mưa lũ lớn đã khiến ít nhất 415 hộ dân bị mất nhà cửa do hư hỏng hoàn toàn. Đến nay, tại khu vực miền Trung vẫn còn khoảng 217 xã, phường với gần 111.400 hộ dân bị ngập. Trong đó, Thừa Thiên Huế chịu thiệt hại nặng nhất với 115 xã, phường hiện còn đang bị ngập nước.

Cùng với thiệt hại về nhà cửa, hệ thống giao thông dọc các tỉnh miền Trung cũng đang bị tổn thương nặng nề. Thống kê đến ngày 13/10, ít nhất 137 điểm quốc lộ, gần 12km đường giao thông tại các địa phương bị sạt lở. Hiện, tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị)… Đường đến trường của hàng chục vạn học sinh nhiều địa phương khu vực miền Trung cũng đang bị gián đoạn do 244 điểm trường bị ngập. Người nông dân rơi vào tỉnh cảnh vô cùng khó khăn khi có khoảng 4.800ha lúa, hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hơn 156.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…
Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 - 16/10 ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội) dự báo sẽ có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.

Trước thiệt hại nặng nề về người và tài sản, các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ Quốc gia.

Đáng lo ngại, thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung còn có thể lớn hơn do thiên tai vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mà trước mắt là bão số 7 đang cận kề đất liền. Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, ngày 14/10, bão số 7 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, tại các tỉnh Trung Trung Bộ những ngày tới có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 20 - 50mm, có nơi trên 70mm. Lượng mưa lớn những ngày tới có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình thủy lợi. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Phú Yên hiện có 85 vị trí đê điều xung yếu và 37 công trình đang thi công dở dang. Hàng trăm hồ chứa thủy lợi tại các địa phương miền Trung cũng đang bị hư hỏng hoặc thi công dang dở.

Trên lưu vực sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, những ngày qua, lưu lượng nước về lớn khiến nhiều hồ chứa thủy điện phải xả lũ. Nguy cơ mất an toàn đang đe dọa nhiều hồ chứa thủy điện nếu lượng mưa không giảm trong những ngày tới như: A Lưới, Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền, Đắk Mi 4a, Sông Tranh 2…

Không để người dân thiếu cơm ăn, áo mặc

Cùng với từng bước khắc phục hậu quả do bão số 6 gây ra, các bộ, ngành, địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên đang tập trung các giải pháp ứng phó với bão số 7. Để bảo đảm an toàn trên biển, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 52.100 phương tiện tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, chống. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đang duy trì 8.574 người, 88 ô tô các loại và 172 tàu, xuồng, phối hợp với các lực lượng tại chỗ nhằm ứng phó kịp thời sự cố thiên tai do bão số 7. Ngày 13/10, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã chỉ đạo tổ chức chằng chống lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; những nơi có điều kiện thì di chuyển vào vùng an toàn.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện vẫn còn gần 500.000ha cây trồng tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa thu hoạch. Hiện, Bộ đang chỉ đạo các địa phương hỗ trợ nông dân tổ chức thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” hoặc có phương án bảo vệ đối với những diện tích chưa đến kỳ thu hái. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định, mưa lũ tại khu vực miền Trung sẽ còn diễn biến phức tạp, trong khi sức chống chịu của Nhân dân có hạn. Do đó, các địa phương cần chủ động phương án cứu trợ, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân vùng lũ, tuyệt đối không để người dân thiếu cơm ăn, áo mặc, bị đói rét. Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các nước, vùng lãnh thổ để hỗ trợ phương tiện, tàu thuyền và ngư dân của ta phòng, tránh bão số 7.

Liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ, đại diện Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị Uy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẩn trương rà soát tổng thể phương án nguồn nhân lực, phương tiện vật tư để sẵn sàng ứng phó với tình huống cứu nạn, cứu hộ.