Miễn visa không phải là tất cả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định miễn visa cho 6 thị trường được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho du lịch trong thời kỳ mới, song các chuyên gia du lịch cho rằng, visa không phải là tất cả.

Làm thủ tục Hải quan tại Sân bay quốc tế Nội Bài. 	 Ảnh: Công Hùng
Làm thủ tục Hải quan tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Công Hùng
Để Việt Nam trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế, du lịch cần có nhiều hơn thế.

Tháng 6 vừa rồi lại là tháng thứ 13 liên tiếp lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm. Song phải thừa nhận, trong thời điểm gặp khó (từ tháng 6/2014 đến nay), ngành du lịch lại nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ và các cấp ngành nhất. Ngoài Nghị quyết số 92/NQ-CP và Chỉ thị 14/CP-TTg nhằm tháo gỡ khó khăn, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, Chính phủ cũng đã cho phép miễn visa đơn phương cho 5 thị trường trọng điểm ở Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha) và Belarus. Sự quan tâm kịp thời này được xem là những “đòn bẩy” giúp du lịch Việt vượt khó đi lên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, tình trạng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh trong thời gian qua, ngoài những nguyên nhân khách quan trên thế giới còn do chính những yếu tố nội tại của du lịch Việt, trong đó có sản phẩm du lịch và công tác xúc tiến du lịch.

Tại Hội nghị về phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới diễn ra gần đây, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, sự nghèo nàn, đơn điệu và kém chuyên nghiệp ở hầu như các điểm đến đã làm mờ sự đặc sắc về tiềm năng của du lịch Việt. Dù có trong tay nguồn tài nguyên du lịch dồi dào như vậy, nhưng đến giờ Việt Nam chưa có những sản phẩm du lịch chủ lực đặc thù, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao. Thêm vào đó, nhiều khu, điểm du lịch, thậm chí cả một vùng thiếu quy hoạch phát triển du lịch lâu dài, đa phần phát triển tự phát nên các sản phẩm du lịch na ná nhau. Điển hình nhất là người ta khó tìm thấy sự khác biệt về sản phẩm du lịch ở các địa phương có thế mạnh về biển, quanh quẩn vẫn chỉ tắm biển, lướt sóng, lặn ngắm san hô…

Dù nhiều điểm du lịch nổi trội hơn, có lợi thế so sánh như Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Phố cổ Hội An…, song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với việc phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel, nhiều địa phương và DN lữ hành mới chỉ quan tâm và tập trung khai thác “phần vỏ”, mà chưa chú trọng đến “phần ruột”, khó gọi mời du khách quay trở lại. Hệ thống khách sạn, nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí, hệ thống bán hàng lưu niệm đặc trưng các vùng miền còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ, chất lượng thấp và không trúng nhu cầu từng thị trường.

Trong khi đó, công tác xúc tiến du lịch của Việt Nam nhiều năm qua luôn bị chê là nghèo nàn, thiếu chuyên nghiệp. Ngoài chuyện thiếu kinh phí, ngành du lịch còn thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Đó là chưa kể nhiều đơn vị, cơ quan tham gia các hoạt động giao lưu ở nước ngoài cũng “nhân danh” xúc tiến du lịch khiến cho hình ảnh du lịch Việt mờ nhạt, thiếu điểm nhấn. Hơn thế, dù có nhiều thị trường du lịch trọng điểm, song đến nay, Việt Nam vẫn chưa có văn phòng đại diện du lịch tại bất kỳ thị trường nào, ngoại trừ Nhật Bản do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tự thành lập.

Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thẳng thắn: “Sản phẩm du lịch của Việt Nam từ lâu vẫn chưa được đầu tư để nâng cấp. Thứ nhất, chúng ta vẫn quanh đi quẩn lại khai thác những sản phẩm cũ kỹ, làm sao thu hút được những du khách mới đến Việt Nam? Thứ hai là công tác xúc tiến quảng bá của Việt Nam còn lạc hậu, khiến Việt Nam chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm để tổ chức những sự kiện xúc tiến quảng bá ở nước ngoài đủ tầm để gây được sự chú ý của các nước. Cả hai yếu tố đó trong những năm qua thể hiện sự yếu kém, góp phần làm giảm lượng khách”. Do vậy, để giúp du lịch Việt Nam vượt khó trước mắt và vực dậy lượng khách quốc tế đang trên đà suy giảm, giải pháp miễn visa là quan trọng, song không phải là tất cả. Nếu như việc tháo gỡ khó khăn về visa được xem như mở cánh cửa chào đón du khách, thì sản phẩm du lịch là điều có thể níu chân du khách, khiến họ có thể “mở hầu bao” cho chuyến du lịch của mình.

Hiện nay, Việt Nam có tour du lịch khám phá hang Sơn Đoòng được xem là đủ tiêu chí của một sản phẩm du lịch khác biệt và hấp dẫn du khách. Bằng chứng là dù đắt đỏ, yêu cầu khắt khe về đối tượng du khách tham gia và hạn chế số lượng, song tour cao cấp này đã kín chỗ đến tận năm 2016. Rõ ràng, Việt Nam không chỉ có Sơn Đoòng, mà còn nhiều danh thắng và di sản độc đáo khác như Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Tây Bắc… Song làm thế nào để biến những tài nguyên ấy thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, lại cần giải pháp khác, không chỉ là miễn visa.