Chị Huyền chia sẻ, nhiều năm làm nhiệm vụ quản lý trực tiếp, rồi phụ trách công tác tư vấn giáo dục người nghiện ma túy, chị thường phải đối mặt với những ca tư vấn rất khó vì học viên luôn tiềm ẩn sự nổi loạn, bất cần hay tự ti, nhút nhát, rối loạn tâm thần... Tuy nhiên, chính những ánh mắt như vừa sợ hãi, vừa cảnh giác cao độ, thiếu niềm tin và cả sự gan lì, quậy phá đó đã thôi thúc chị quyết tâm tìm hiểu, hỗ trợ họ. Thế rồi, trong quá trình tiếp xúc với những học viên cai nghiện, chị Huyền nhận ra, họ cần lắm những sẻ chia, đồng cảm chân thành. Có thể chỉ là cử chỉ quan tâm, động viên nhẹ nhàng sẽ giúp học viên cai nghiện cảm thấy vui hơn.
Ba năm trước, chị Đào Thị Huyền được điều chuyển sang làm Trưởng phòng Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt của Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội. Nơi đây có 72 trẻ em bị nhiễm HIV, ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có 56 trẻ đi học các cấp. Các con rất thiệt thòi vì thiếu vắng vòng tay chăm sóc của gia đình, lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ, bị sự kỳ thị. Người phụ nữ sinh năm 1980 đã luôn coi khó khăn của những đứa trẻ là thách thức mình cần phải vượt qua. Chị nghĩ, để chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV, không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc y tế mà còn phải nắm bắt tâm sinh lý của từng con. Với vai trò cũng như bản năng làm mẹ, chị Huyền cùng đồng nghiệp hàng ngày, hàng giờ không ngừng gỡ khó, miệt mài chạy theo cùng ước mơ của con trẻ. Đó là cùng các con đi chơi vào những ngày Tết, ngày lễ, trải nghiệm thực tế hay thuyết phục một trường trung cấp nhận 11 con vào học văn hóa và học nghề để sau này hòa nhập cuộc sống.
Chị Huyền xúc động kể về trường hợp một bé gái 16 tuổi được chuyển đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Mẹ bé gái như điên loạn bởi tình trạng bệnh của mình và con, đòi đón con về cùng chết cho đỡ khổ... Trước tình huống đó, chị Huyền hiểu rằng, con cần nhất là những cái ôm vỗ về thật chặt hơn mọi lời nói, hành động. Sau một thời gian tư vấn trực tiếp lúc mềm mại, lúc cứng rắn cùng những cuộc điện thoại tâm sự kéo dài hàng giờ bất kể ngày đêm, cảm nhận được tình yêu thương từ chị, bé gái đã tích cực tiếp nhận các liệu pháp điều trị. Đến nay, sau 2 năm, cả mẹ và con đều rất khỏe mạnh, vui vẻ.
Còn rất nhiều những câu chuyện cảm động nữa được chị Đào Thị Huyền và tập thể cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội viết lên từ những điều hết sức giản dị. "Lòng tốt không chỉ là hành động mà còn là thái độ, sự chân thành giúp người khác ấm lòng. Mong ước và hạnh phúc lớn nhất của tôi là các con trưởng thành, có cơ hội được hòa nhập cuộc sống và đi làm" - chị Huyền chia sẻ.