Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Minh bạch để dân giám sát

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương đã đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, xác định đây là một giải pháp trọng tâm để phòng, chống tiêu cực.

Hướng dẫn làm thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải  
Hướng dẫn làm thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải  

Đa dạng hình thức

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai - sổ sách phải minh bạch. Phải chống quan liêu, lãng phí, tham ô". Do đó, để người dân có thể tham gia giám sát, kiểm soát, cơ quan Nhà nước phải xây dựng được cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động thông qua các hình thức khác nhau, đây cũng là biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống tham nhũng. Các phản ánh, kiến nghị kịp thời của Nhân dân qua công tác giám sát sẽ giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các vi phạm.

Tại Hà Nội, từ TP đến cơ sở đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công khai, minh bạch những thông tin người dân cần biết và được biết theo đúng quy định; đặc biệt lưu ý cập nhật, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách... trên trang thông tin điện tử của các đơn vị. Từ các quy trình, thủ tục giải quyết công việc, đến việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu, công khai các chế độ, định mức... đều được công khai để người dân tiếp cận bằng nhiều hình thức như thông báo tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở cơ quan...

TP cũng tăng công khai, minh bạch trong quy hoạch, sử dụng đất đai, thông tin đấu giá quyền sử dụng đất; công khai các dự án thu hồi đất do vi phạm các quy định của pháp luật… Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ quan Nhà nước và giám sát việc thực hiện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Trong năm 2021, TP đã triển khai kiểm tra 791 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động.

Cùng với đó, việc tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Hoàn thiện thêm các cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch cũng được chú trọng. TP cũng đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời giao Thanh tra TP hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định.

Để góp phần thúc đẩy công khai minh bạch, phòng, chống tiêu cực, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã triển khai hiệu quả chuyên đề “Công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, DN trong giải quyết công việc trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó, việc triển khai các giải pháp cụ thể với từng lĩnh vực được người dân quan tâm đã giúp thực thi hiệu quả cơ chế giám sát, phòng ngừa của các cơ quan chức năng, MTTQ các cấp và cơ quan báo chí.

Tăng sự tương tác

Không chỉ ở cấp TP, để đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, các đơn vị cũng đã tăng cường công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, chế độ; nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân. Trong đó, tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại cộng đồng, hội nghị đại biểu Nhân dân các tổ dân phố đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về quy chế dân chủ cơ sở, các văn bản pháp luật, trợ giúp pháp lý... Đồng thời, tăng thêm các hình thức truyền tải, công khai những nội dung liên quan đến dân sinh như chương trình mục tiêu giảm nghèo; các nội dung thu - chi ngân sách; quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện, thị xã…

Tại nhiều quận, huyện, nhằm tăng sự tương tác giữa chính quyền với người dân, đã xây dựng trang "Chính quyền điện tử" trên ứng dụng Zalo, kết nối với Cổng dịch vụ công thực hiện các phần việc: Nộp hồ sơ trực tuyến; trao đổi, hỏi đáp, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính; đánh giá mức độ hài lòng... Ngoài ra, bổ sung các tính năng như: Hỗ trợ trực tuyến đường dây nóng, thăm dò ý kiến khảo sát đối với người dân, tổ chức trên địa bàn… trên các trang thông tin của địa phương.

Cùng với đó, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, xây dựng chính quyền điện tử cũng giúp việc công khai, minh bạch ngày càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt, tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, DN, việc lắp đặt camera, đặt hòm thư góp ý, công khai đường dây nóng, số điện thoại lãnh đạo cơ quan… giúp việc giám sát đạt hiệu quả cao hơn như lời Bác dạy.