Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Minh bạch giá điện tránh trục lợi

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá điện sinh hoạt cần đảm bảo minh bạch, công bằng, hài hòa lợi ích các bên, ngăn chặn nguy cơ trục lợi từ chênh lệch giá điện.

Tọa đàm “Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với GreenID tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận về những phương án xây dựng biểu giá điện bán lẻ (5 bậc thang và 1 giá) được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến gần đây.
Công nhân EVN HANOI kiểm tra hệ thống điện. Ảnh: Nguyên Dương
Dự thảo đề xuất các phương án điều chỉnh giá điện sinh hoạt mà Bộ Công Thương đưa ra gần đây đã gặp phải phản ứng gay gắt của xã hội, vì chưa chứng minh được cơ sở khoa học, pháp lý cho việc đưa ra mức giá cao hơn mức giá bán lẻ bình quân tới 145 - 155%. Do đặc thù giá điện sinh hoạt ở Việt Nam vẫn được Chính phủ quản lý, điều tiết, cấp ngân sách đầu tư công, nên chỉ được bán với đúng mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã quy định.
Đại đa số các chuyên gia ủng hộ phương án một mức giá và phải là giá bình quân theo quy định và cho rằng, đây là cách tính đơn giản, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật mà vẫn đảm bảo hài hòa lợi của DN, sự chấp thuận của người tiêu dùng và thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát của Nhà nước.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế năng lượng (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam), với mức quy định trong biểu giá điện 5 bậc đưa ra từ Bộ Công Thương, chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt được quy định. Còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, thậm chí bậc thang thứ 4, 5 rất cao lên đến hơn 160% giá điện bình quân. Bộ Công Thương cần giải thích tại sao lại đưa ra các con số này.
Điều này làm cho giá bán lẻ điện bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định. Để chính xác, rất cần số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình tiêu thụ điện ở từng mức sử dụng trong thời gian vừa qua. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tính giá điện bậc thang như vậy không giải quyết được vấn đề về tính công khai, minh bạch trong việc đo đếm, ghi chỉ số công tơ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khoản chênh so với mức giá bình quân này cần được bóc tách và nộp cho Ngân sách nhà nước, minh bạch. Từ đó, Chính phủ dùng số thu đó để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện, đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng các biện pháp sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới…
Theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương cần công khai giá bình quân của từng biểu giá và tổng biểu giá, giá bình quân so với giá điện sinh hoạt như thế nào… để người dân có sự so sánh. Khi đã được thông qua, chấp nhận giá điện bậc thang, thì người dân phải chấp nhận việc “nhảy tiền” khi dùng nhiều. Nếu làm biểu giá điện hợp lý thì khi “nhảy bậc”, người dân sẽ không bị sốc.
Chuyên gia Ngô Đức Lâm đưa thêm đề xuất về phương án 3 bậc lũy tiến điều hòa lấy giá điện bình quân làm trung tâm, thay vì 5 bậc thang như dự thảo đề xuất của Bộ. Dù là theo phương án 1 mức giá đúng với giá bán lẻ bình quân hay theo phương án 3 bậc lũy tiến điều hòa, thì việc điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt ở Việt Nam cần phải đảm các yếu tố: Đúng quy định của pháp luật; Minh bạch - Rõ ràng - Đơn giản; Hợp lý, công bằng, đạt được mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, an sinh xã hội; Hài hòa lợi ích của Nhà sản xuất kinh doanh - Nhà nước - Người tiêu dùng; Đảm bảo yếu tố cốt lõi - giá điện bình quân là mức giá được áp dụng dù chọn 1 hay 3 bậc lũy tiến như đề xuất của vì giá điện bình quân đã được quy định đảm bảo tính toán đủ mọi chi phí trong sản xuất, kinh doanh của ngành điện, đảm bảo có lãi, đảm bảo đủ kinh phí tài chính hoạt động của DN (EVN và các công ty thành viên). Đồng thời đảm bảo tính linh hoạt của kinh tế thị trường.
Tại tọa đàm, các chuyên gia khuyến nghị, mức giá phù hợp nhất là ngang bằng với mức giá bán lẻ điện hiện nay 1.864 đồng/kWh, hoặc mức hơn 2.000 đồng/kWh chứ không thể để ở mức gần 3.000 đồng/kWh mà không có đủ thuyết phục.
Song theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, chúng ta có thể thực hiện điện một giá khi có đủ nguồn cung điện và khi nhà nước có các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách thông qua cơ chế khác, không phải qua giá điện. Đồng thời, thực hiện điện một giá sẽ phải thay đổi các nguyên tắc trong Luật Điện lực, trong khi đó, những yếu tố này hiện nay là chưa thể thực hiện ngay...
Theo phương án đưa ra của Bộ Công Thương gồm: Phương án 1 (5 bậc), ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0 - 100kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101 - 200kWh; ghép các bậc từ 201 - 300kWh với bậc từ 301 - 400kWh thành bậc mới; tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: từ 401-700 kWh và trên 700kWh.