Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Minh bạch quản lý, chống thất thu khoáng sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, khai thác khoáng sản đã phát triển nhanh chóng và đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải chịu thất thu đáng kể bởi, bất cập trong quản lý, tình trạng xuất lậu khoáng sản, coi nhẹ chế biến, gian lận kê khai thuế, phí...

Tài nguyên khoáng sản là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Luật Khoáng sản năm 1996 đến nay, công tác quản lý khoáng sản vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, DN chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm dẫn đến việc tổn thất khoáng sản, sản lượng khai thác thực tế khó kiểm soát…
Khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trần Dũng
Khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trần Dũng
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cho biết, ngành dầu khí và khai thác khoáng sản đóng góp khoảng 25% tổng thu ngân sách và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua. Song, mức đóng góp này chưa thực sự tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất môi trường. Trong khi đó, chính sách quản lý chưa khuyến khích được DN khai thác khoáng sản một cách tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống quản lý tài chính về khoáng sản còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo ra kẽ hở cho việc thất thoát nguồn thu.

 Nêu ra những bất cập trong việc quản lý thuế, phí, ông Đào Trọng Hưng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ ra: "Cơ quan quản lý hiện vẫn chưa thống nhất được điểm thu thuế, nguồn thu thuế tài nguyên. Ví dụ, một công ty khai thác than ở Quảng Ninh nhưng trụ sở đóng ở Hà Nội thì sẽ phải nộp thuế ở Hà Nội, dẫn đến địa phương nơi công ty trực tiếp khai thác không quản lý được các khoản thuế này. Do không thống nhất được các khoản thu đã gây khó khăn cho DN trong việc khai thác, đồng thời giảm hiệu quả sử dụng thuế, phí vào mục đích chính thống".

Để giải quyết những hệ lụy về môi trường cũng như nâng cao hiệu quả đóng góp từ lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng những giải pháp mang tính tổng thể hơn, hướng tới minh bạch ngành khai khoáng. Trong bối cảnh hiện tại, việc gia nhập sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác được xem như giải pháp tối ưu. Đồng thời, phải có giá tính thuế hợp lý và quản lý được sản lượng khai thác để tránh thất thoát.

"Nếu không có cơ chế rõ ràng có thể dẫn đến tiêu cực trong việc thanh kiểm tra, xác định mức độ sai phạm của DN khai thác. Vì vậy, cần tăng cường công khai minh bạch về trữ lượng, tổng sản lượng khai thác, tổng sản lượng xuất khẩu và giá trị tương ứng" - ông Lê Quang Thuận (Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính) nêu quan điểm.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, ông Andrew Bauer - Chuyên gia Viện Quản trị Tài nguyên thiên nhiên nhìn nhận, Việt Nam không phải quốc gia phụ thuộc dầu mỏ nhưng có thể trở thành quốc gia phụ thuộc trong tương lai. Với bối cảnh hiện tại, việc thành lập quỹ tài nguyên chưa phải vấn đề cấp bách, tuy nhiên nếu sản lượng khai thác tăng gấp đôi hoặc hơn thì việc thành lập quỹ là cần thiết để quản lý.