Đây là quan điểm chung của các chuyên gia, nhà quản lý tại tọa đàm “Tìm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức, ngày 19/7.
Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài "sân chơi” niêm yết
Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng, giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Sau hơn 2 thập niên hình thành và phát triển, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE, HNX và UPCoM đến ngày 30/6/2023 đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP ước tính năm 2022. Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD (trên 23.000 tỷ đồng). Từ 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên, số lượng chứng khoán trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6/2023 là 1.600 doanh nghiệp HOSE (403 doanh nghiệp), HNX (332 doanh nghiệp) và UPCoM (865 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn (bao gồm cả niêm yết và đăng ký giao dịch) còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài “sân chơi” bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư.
Trưởng phòng tư vấn, Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam Trần Thị Lan Anh đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chưa đa dạng về các loại hàng hóa. Số lượng nhà đầu tư các năm qua tăng trưởng nhưng lượng hàng hóa lại chưa đủ để cung cấp.
Theo bà Lan Anh, nguyên nhân của tình trạng trên là do bản thân các doanh nghiệp đang chưa nắm rõ về lợi ích, cũng như điều kiện để niêm yết trên sàn. Một số doanh nghiệp quy mô lớn mà không có nhu cầu niêm yết vì họ cảm thấy bị “đánh đồng” với các doanh nghiệp có hoạt động thiếu minh bạch. Đặc biệt, trong nhưng năm vừa qua, có một vài doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp niêm yết chung.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam Phan Quốc Huỳnh cho hay, từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự trầm lắng về số lượng “tân binh” trên sàn chứng khoán có nhiều nguyên nhân, đơn cử bản thân doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại. “Nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay” - ông Phan Quốc Huỳnh nêu quan điểm.
Doanh nghiệp phải chuẩn hóa các khâu
Thực tế, để đánh giá về thị trường chứng khoán hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, con đường niêm yết đang tắc.
Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam Nguyễn Thanh Kỳ cho biết, Việt Nam được các nhà đầu tư nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Do đó, để tăng quy mô hàng hóa cho thị trường, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết.
Các chính sách về quản lý, điều hành vĩ mô đã phát huy tác dụng và thị trường đã được cải thiện về thanh khoản. Thị trường đã có nhiều hơn các phiên giao dịch quanh khoảng 20.000 tỷ đồng. Thị trường đang hướng tới mức 1.200 điểm trong thời gian ngắn phía trước. Nếu chính sách tiền tệ, tài khóa tốt có thể cho kết quả tốt đẹp ở mức 1.300 – 1.400 điểm. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam Phan Quốc Huỳnh dự báo.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp cũng như tổ chức phát hành chưa nắm bắt dc các quy định khi đăng ký chứng khoán niêm yết. Các doanh nghiệp muốn lên sàn trước mắt cần tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, củng cố nội lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hàng hóa. Đồng thời cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ về các mốc thời gian trong quá trình niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường. Từ đó, gia tăng được sức mạnh, nguồn lực, thỏa mãn tốt các tiêu chuẩn để có thể niêm yết.
Từ góc độ là đơn vị tư vấn doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam Bùi Đình Như cho biết, thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã đủ điều kiện theo quy định để trở thành công ty đại chúng, nhưng lại không được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận, do quá trình tăng vốn của doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ, đã xảy ra trong quá khứ mà không thể sửa được. Có thể nói, ngoại trừ những doanh nghiệp Nhà nước, thì 99% doanh nghiệp tư nhân chưa đủ điều kiện để trở thành công ty đại chúng để lên sàn mà phải trải qua một quá trình tái cấu trúc. Thậm chí có những doanh nghiệp “né” thuế, mua hóa đơn, tăng chi phí, giảm doanh thu, đỡ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp... Chính vì vậy, những tổ chức trung gian phải làm cho doanh nghiệp hiểu được tính minh bạch và tác dụng khi gia nhập thị trường chứng khoán, khi đó họ mới làm theo và đó cũng là giải pháp căn cơ cho thị trường trong lâu dài.
Nhấn mạnh đến yếu tố tầm nhìn, chiến lược và quản trị doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam Phan Quốc Huỳnh cho rằng, hiện nay chất lượng hàng hóa, hay các quy định về niêm yết ngày càng chặt chẽ hơn, minh bạch hơn. Việt Nam đang hướng đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn va hoàn thiện hành lang pháp lý theo chuẩn quốc tế. Do đó, để có thể lên sàn thành công, bản thân doanh nghiệp phải sạch sẽ, minh bạch, phải chuẩn ở các khâu.