Mini bus phù hợp với đặc thù đường phố Hà Nội

Quý Nguyễn ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang nghiên cứu để đưa mini bus (xe buýt mini), một loại hình phương tiện trung chuyển vào hoạt động để tăng cường năng lực cho vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) cũng như giải bài toán về ùn tắc giao thông.

 
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Ngọc Quang - Chuyên gia giao thông độc lập, có nhiều năm nghiên cứu về loại hình VTHKCC ở Việt Nam cho rằng, mini bus rất phù hợp với điều kiện đường phố nhỏ hẹp, có thể len lỏi trong các khu dân cư của Hà Nội.
Thời gian đi lại đang là điểm yếu của xe buýt

Mạng lưới xe buýt ở Hà Nội đã được xây dựng tương đối hoàn thiện nhưng sản lượng vận chuyển vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này?

- Đúng là Hà Nội đang có một mạng lưới xe buýt rất lớn và tương đối hoàn chỉnh, cả về số lượng phương tiện vận chuyển cũng như số tuyến buýt. Tôi đã sử dụng phương pháp phân tích bằng mô hình GIS (mô hình dữ liệu không gian) , kết quả cho thấy, chỉ tính riêng ở phạm vi Vành đai 2 (từ đường Láng vào khu vực trung tâm) mạng lưới xe buýt đã rất dày đặc. Mạng lưới này đảm bảo điều kiện tiếp cận xe buýt cho người dân ở trong bán kính dưới 500m. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt thời gian qua vẫn không cao. Nguyên nhân chính là đối tượng sử dụng xe buýt hiện vẫn chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lớn tuổi. Trong khi đó, người trong độ tuổi đi làm, chiếm phần lớn dân số ở Thủ đô vẫn chưa sử dụng xe buýt nhiều.

Đâu là nguyên nhân khiến xe buýt chưa có sức hút với người trong độ tuổi lao động, thưa ông?

- Với những người trong độ tuổi đi làm thì thời gian đi lại là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định tới việc lựa chọn phương tiện. Giá vé xe bus rẻ không phải là yếu tố quyết định đối với những người ở trong độ tuổi đi làm, trừ những người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng. Thời gian di chuyển sẽ càng có ý nghĩa hơn khi mức thu nhập cá nhân tăng lên. Vấn đề của xe buýt hiện nay là thời gian đi lại quá lớn và kém rất xa loại phương tiện cá nhân đang được phần đông người dân sử dụng là xe máy. Đơn cử, trong phạm vi Vành đai 3 và khu vực lân cận, theo nghiên cứu của tôi, chỉ mất khoảng 20 - 30 phút để đi làm bằng xe máy, nhưng sẽ mất gấp đôi thời gian (50 - 60 phút) nếu họ sử dụng xe buýt.

Vậy làm thế nào để xe buýt có thể thu hút được hành khách là người trong độ tuổi đi làm?

- Như tôi đã phân tích, thời gian đi lại mới là yếu tố chủ yếu dẫn tới việc những người trong độ tuổi đi làm không sử dụng xe buýt hàng ngày. Vì vậy, xe buýt muốn thu hút được những đối tượng trong độ tuổi đi làm có mức thu nhập trung bình thì tiêu chí đầu tiên là phải đảm bảo thời gian đi lại bằng xe buýt có thể cạnh tranh một cách tương đối so với xe máy. Muốn đạt được điều đó, xe buýt cần phải được ưu tiên trong việc tổ chức giao thông bằng việc tạo làn ưu tiên và tổ chức đèn tín hiệu ưu tiên khi chạy qua các giao cắt có đèn tín hiệu. Bên cạnh đó, xe buýt cần đúng giờ theo biểu đồ chạy xe và người dân có thể cập nhật thông tin chính xác bằng điện thoại smart phone. Sẽ không có phép màu để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân và chuyển sang sử dụng VTHKCC nếu việc di chuyển bằng xe buýt vẫn mất quá nhiều thời gian.
 Một loại mini bus được sử dụng ở nước ngoài.
Cần đầu tư thích đáng cho giao thông tiếp cận

Hà Nội đang nghiên cứu đưa mini bus vào hoạt động để tăng tính hiệu quả của VTHKCC. Ông đánh giá như thế nào về ý tưởng này?

- Chú trọng phát triển các loại hình giao thông tiếp cận là một trong những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của VTHKCC. Các phương tiện giao thông như xe đạp, phương tiện trung chuyển nhỏ dạng mini bus (như xe điện, tuktuk, jeepney...) có khả năng tiếp cận tốt, linh hoạt và phù hợp cho các quãng đường di chuyển ngắn, mặc dù khả năng cơ động không cao. Do vậy, việc kết hợp giữa VTHKCC với các phương tiện giao thông tiếp cận chính là sự bù đắp các nhược điểm và phát huy thế mạnh của nhau. ở nhiều nước, giao thông tiếp cận được coi là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống VTHKCC.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của tổ chức HealthBridge - Canada năm 2017 cho thấy, giao thông tiếp cận ở Hà Nội lại đang bị lãng quên và không được đầu tư thích đáng. Việc phát triển đa dạng các loại hình phương tiện trung chuyển dạng mini bus dưới 15 chỗ là rất cần thiết, nhằm mở rộng vùng phục vụ của VTHKCC và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ.

Theo ông, đâu là lợi thế của mini bus để phương tiện này có thể phát huy tối đa trung chuyển và kết nối với mạng lưới xe buýt hiện có?

- Các phương tiện giao thông đều có hai đặc tính là cơ động và khả năng tiếp cận. Xe máy là loại phương tiện có cả hai đặc tính này khá tốt nên rất phù hợp trong điều kiện đô thị. Nó có thể di chuyển khá nhanh trên đường phố, lại có thể tiếp cận trực tiếp “từ cửa tới cửa” và có thể linh hoạt luồn lách vào các đường, ngõ nhỏ. Do vậy, không phải vô cớ mà người dân lại thích sử dụng loại phương tiện này. Ngược lại, các phương tiện VTHKCC tuy có khả năng di chuyển nhanh, nhưng khả năng tiếp cận lại kém, không thể linh hoạt thay đổi đường đi hoặc luồn lách vào các đường, ngõ nhỏ. Do có kích thước nhỏ nên mini bus rất phù hợp với điều kiện đường phố nhỏ hẹp, có thể len lỏi trong các khu dân cư của Hà Nội. Đây là loại phương tiện đang được sử dụng khá phổ biến và hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới. Đơn cử như Thủ đô Manila của Phillippines có điều kiện phát triển đô thị tương tự như Hà Nội, thì khoảng 350.000 jeepney (một loại mini bus) đảm nhận tới 90% nhu cầu đi lại của người dân đã chứng minh sự phù hợp của nó.

Khi đưa vào sử dụng, mini bus nên được vận hành như thế nào cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở Hà Nội?

- Hà Nội hiện đã có mạng lưới xe buýt, BRT và sắp tới là đường sắt đô thị. Đây là các loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn. Do đó mini bus khi đưa vào hoạt động chỉ nên được coi là dạng phương tiện hỗ trợ cho các loại hình VTHKCC trên. Nhiệm vụ trung chuyển hành khách trong trường hợp bến và các điểm dừng xe buýt nằm cách xa các địa điểm tập trung đông người trên 150 - 2.000m, đảm bảo người dân có thể tiếp cận điểm dừng/bến VTHKCC tốt nhất là dưới 3 phút và không quá 5 phút bằng đi bộ, xe đạp hoặc bằng mini bus. Vận tốc tối đa nên được quy định không được vượt quá 30km/h để đảm bảo an toàn giao thông. Bù lại, các phương tiện này cần có tần suất chạy cao, có thể 3 - 5 phút/chuyến, nhất là trong giờ cao điểm.

Ngoài ra, mini bus cần được đánh số và quản lý chặt chẽ và chỉ có nhiệm vụ trung chuyển hành khách từ bến và các điểm dừng xe buýt đến các địa điểm tập trung đông người nằm cách xa điểm dừng/bến xe buýt trên 150m, không được chạy ra khỏi phạm vi khu vực phụ trách.

Xin cảm ơn ông!

Để khuyến khích người dân sử dụng mini bus cần được miễn phí hoặc chi phí rất thấp, ví dụ 2.000 đồng/lượt. Chi phí đầu tư loại hình mini bus không lớn (loại tuktuk chỉ vài chục triệu đồng/chiếc, còn xe điện và jeepney có giá khoảng 200 triệu đồng/chiếc) nên hoàn toàn có thể kêu gọi xã hội hóa. Chi phí vận hành và bảo dưỡng sẽ được bù đắp từ các nguồn như kêu gọi DN hỗ trợ, cộng đồng địa phương đóng góp và phí trông giữ ô tô, xe máy. 

TS Nguyễn Ngọc Quang - Chuyên gia giao thông độc lập