Mở 4 tuyến buýt kết nối các bến xe TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 4 tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai, có 1 tuyến mở mới và 3 tuyến khôi phục sau thời gian dài dừng hoạt động, với mục đích giúp người dân, công nhân lao động hai địa phương đi lại thuận tiện hơn.

Ngày 22/12, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã quyết định công bố 4 tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai.

Theo đó, 4 tuyến buýt với giá vé 7.000-45.000 đồng, chạy từ ngày 24/12 giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại từ TP Hồ Chí Minh qua Đồng Nai.

Các tuyến mang số hiệu 60-1, 60-3, 60-5 và 60-7 được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh công bố sáng 22/12. Trong đó, tuyến 60-7 được mở mới, ba tuyến còn lại được khôi phục sau hơn 2 năm tạm dừng.

Ba tuyến 60-1, 60-5 và 60-7, lần lượt kết nối bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), An Sương (quận 12) và Tân Phú (quận Tân Phú) qua bến xe Biên Hoà. Tuyến 60-3 chạy từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) đến Khu Công nghiệp Nhơn Trạch.

Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang đã đưa 62 xe buýt mới vào phục vụ 4 tuyến buýt mới
Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang đã đưa 62 xe buýt mới vào phục vụ 4 tuyến buýt mới

Cả 4 tuyến này đều không trợ giá do Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines khai thác từ ngày 24/12. Cụ thể:

Đối với tuyến xe buýt mã số 60-3 (Bến xe Miền Đông cũ - Khu công nghiệp Nhơn Trạch) có lộ trình gần 60km, phương tiện trang bị loại 24 chỗ gồm 16 xe, mỗi ngày có 90 chuyến. Về giá vé được tính theo 4 chặng: Dưới 7km có giá 7.000 đồng/lượt; trên 7km đến 1/3 cự ly tuyến có giá 20.000 đồng/lượt; từ 1/3 đến 2/3 tuyến có giá 30.000 đồng/lượt; trên 2/3 cự lý tuyến có giá 45.000 đồng/lượt. Học sinh, sinh viên có giá 5.000 đồng/lượt, miễn phí cho các đối tượng từ 1,3m trở xuống, các đối tượng chính sách, người khuyết tật, người cao tuổi…

Đối với tuyến 60-5 (Bến xe An Sương- Bến xe Biên Hòa) có lộ trình dài gần 40km. Tuyến có 12 xe chạy theo biểu đồ từ 5h-18h hàng ngày, tổng số chuyến là 90. Giá vé được tính theo 3 chặng: Dưới 7km 7.000 đồng/lượt; từ 7km đến 1/2 cự ly tuyến có giá 20.000 đồng/lượt; từ 1/2 tuyến trở lên có giá 30.000 đồng/lượt.

Đối với tuyến 60-1 (Bến xe Miền Tây- Bến xe Biên Hòa) có lộ trình 60km. Tuyến trang bị xe loại 40 chỗ với 18 phương tiện hoạt động theo lộ trình từ 4h45 sáng đến 18h30 với công suất 108 chuyến/ngày. Giá vé được tính theo 4 chặng: Dưới 7km có giá 7.000 đồng/lượt; trên 7km đến 1/3 cự ly tuyến có giá 20.000 đồng/lượt; từ 1/3 đến 2/3 tuyến có giá 30.000 đồng/lượt; trên 2/3 cự ly tuyến có giá 40.000 đồng/lượt.

Đối với tuyến 60-7 (Bến xe buýt Tân Phú – Bến xe Biên Hòa) có cự ly 47 km. Trang bị 4 phương tiện loại 24 chỗ, mỗi ngày có 90 chuyến, hoạt động từ 5h-18h.Giá vé được tính theo 3 chặng: Dưới 7km có giá 7.000 đồng/lượt; trên 7km đến 1/2 cự ly tuyến có giá 20.000 đồng/lượt; trên 1/2 cự ly tuyến có giá 40.000 đồng/lượt.

Tại lễ công bố sáng 22/12, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, cho biết, TP đang chú trọng phát triển giao thông công cộng, gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, TP đã mở thêm bốn tuyến xe buýt kết nối liên vùng, tăng kết nối với các khu vực có nhu cầu đi lại lớn - theo hình thức không trợ giá. Từ đó, nhằm phục vụ nhu cầu hành khách tăng cao trong giai đoạn hiện nay và dịp lễ, Tết.

"Sự kiện mở mới các tuyến xe buýt sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Tôi hoan nghênh sự cố gắng của các đơn vị liên quan trong việc liên kết, tạo điều kiện đi lại cho người dân" - ông Hưng nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (đơn vị khai thác), cho biết cả 4 tuyến buýt đều dùng xe mới, loại 24-40 chỗ (đứng, ngồi). Phía trong có camera giám sát, GPS, thiết bị hỗ trợ thanh toán, máy lạnh, wifi...

TP Hồ Chí Minh đang có 130 tuyến buýt với hơn 2.000 xe, trong đó 91 tuyến trợ giá. Năm nay, thành phố đặt mục tiêu số khách đi buýt đạt 232 triệu lượt, tăng khoảng 23% so với 2021.