Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở cửa - cơ hội phục hồi nền kinh tế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh kinh tế 9 tháng có nhiều gam màu trầm. Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, nhưng vẫn khá lạc quan. Họ kỳ vọng hoạt động kinh tế hồi phục một phần trong quý IV/2021 theo hướng thích ứng an toàn và bình thường mới, phục hồi kinh tế mạnh trong năm 2022...

Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Khánh
Trông đợi quý cuối năm
Hiện áp lực đang đè nặng lên quý cuối năm 2021. Điều này, trên thực tế, cũng đã được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhắc đến cách đây chưa lâu, khi làm việc với các địa phương về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ vào khoảng 3,5 - 4%.

Ý kiến chung của nhiều chuyên gia là dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế 9 tháng vẫn có điểm sáng, khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn đang được các DN nỗ lực duy trì. Đó là một trong những lý do khiến kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 tháng vẫn tăng trưởng mạnh 24,4% so với cùng kỳ, đạt trên 483 tỷ USD. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. Dòng tiền nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thách thức, khó khăn đã và đang gây áp lực lớn đến nền kinh tế. Trong hoàn cảnh đó, theo Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, tâm thế mở cửa sẽ là thông điệp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, nhiều DN đang khó khăn, mở cửa sẽ là “cỗ máy trợ thở” cho họ. Quý IV/2021 là thời gian vàng để mở cửa. Và Đề án mà Bộ KH&ĐT đang gấp rút hoàn thiện xác định cả năm 2022 và 2023 sẽ là giai đoạn phục hồi kinh tế. Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 phải đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%

Thực tế, đã có một bước ngoặt quan trọng trong chính sách chống dịch của Chính phủ Việt Nam đó là chuyển từ mục tiêu “Zero Covid-19” sang “chung sống an toàn với Covid-19”. Sự chuyển hướng này chính là nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể từng bước mở cửa trở lại, sớm phục hồi trong giai đoạn tới.

Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2022 cũng là thời điểm có nhiều yếu tố mới, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Mặc dù khả năng dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp, khó lường, song nhiều nước trên thế giới chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Theo đó, khi tỷ lệ tiêm chủng cao, các nước mở cửa nhưng kết hợp các biện pháp phòng chống dịch. Chính vì vậy, đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp diễn. Cùng với đó, các chính phủ vẫn duy trì chương trình kích thích kinh tế cả về phía tiền tệ, lẫn phía tài khóa. Qua đó có thể nhận định xuất khẩu của Việt Nam vẫn mạnh.

Bên cạnh đó, trật tự thương mại, cơ cấu đầu tư chắc chắn có sự thay đổi và chuyển dịch, kể cả chuỗi sản xuất và cung ứng. Tất cả những điều này sẽ có tác động đến Việt Nam. Theo phân tích và dự báo ban đầu của Bộ KH&ĐT, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%.
Trên tinh thần đó, các địa phương nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng... Tuy nhiên cũng phải kiểm soát không thể để dịch bùng phát mạnh trở lại.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mùa Thu năm 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi.
Theo WB, trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ, trong đó cho phép DN được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại. WB cũng quan tâm đến việc sau gói hỗ trợ đảm bảo xã hội đợt hai, Chính phủ đang sẵn sàng triển khai một gói hỗ trợ thuế cho DN.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra dự báo: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, của việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

“Với dư địa tài khóa hiện có, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các nguồn lực để giảm thiểu tác động xã hội bất lợi và phòng ngừa những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng. Trong thời gian tới, Việt Nam cần theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh và số hóa nhằm nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế”- WB khuyến nghị.
Với một số địa phương tăng trưởng cao nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các DN FDI như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… các chuyên gia cũng lưu ý, chiến lược tăng trưởng bền vững hơn. Theo đó, cần phải tạo được sự lan tỏa, gắn kết tốt khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng