Mở cửa du lịch: Muốn phục hồi, phải thay đổi

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, sau 2 năm bị thiệt hại nặng do dịch Covid-19, du lịch Việt Nam muốn phục hồi, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải chuyển đổi từ tư duy và hành động, qua đó xây dựng sản phẩm phù hợp thực tế cũng như hồi phục nguồn nhân lực.

Khách du lịch quốc tế tìm hiểu nghề làm tương tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Nam Hải
Khách du lịch quốc tế tìm hiểu nghề làm tương tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Nam Hải

Mở cửa du lịch vẫn đang chậm

Tại Diễn đàn “Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình thẳng thắn nhìn nhận: Du lịch đóng cửa đã làm ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề có liên quan và các địa phương có điểm đến thu hút khách du lịch. Vì vậy, làm thế nào để khôi phục du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 DN và 2 triệu lao động, mà còn là yêu cầu của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ đang sống dựa vào ngành. Bởi vậy, các hỗ trợ mà DN cần nhất vào thời điểm này đó là cơ quan quản lý cần nhận diện những nút thắt đang cản trở ngành du lịch như việc cấp visa cho khách du lịch vào Việt Nam hay chấp nhận hộ chiếu vaccine như xu hướng chung mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng...

Đồng tình với ý kiến này, Trưởng ban Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn đánh giá, đa phần các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Trong khi đó, Việt Nam chỉ miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn 15 ngày, bằng 50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Indonesia…

Thực tế cho thấy, các nước như Thái Lan, Singapore đã áp dụng quy trình cấp thị thực với chi phí thấp, công khai thủ tục trên website. Trong khi đó, chi phí cấp thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cao gấp 2 lần so với Campuchia, Lào, Indonesia… Ngoài ra, việc giới hạn thời gian tạm trú cũng khiến ngành du lịch đã đánh mất cơ hội thu hút du khách tới Việt Nam. “Vì vậy cần có chính sách cấp thị thực cởi mở hơn qua đó tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực” - ông Tuấn kiến nghị.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng thừa nhận, mặc dù Việt Nam đã đón khách quốc tế nhưng các chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đang chậm hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan.

“Thái Lan liên tục thay đổi chính sách để hút khách, cạnh tranh tối đa với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á. Từ 1/7/2021, Thái Lan đã khởi động lại du lịch bằng việc mở cửa Phuket, còn Việt Nam đến tháng 11/2021 mới triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế. Từ 1/4/2022, Thái Lan tuyên bố khách quốc tế không cần phải test nhanh Covid-19" - ông Khánh nêu ví dụ.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Dịch Covid-19 đã khiến người dân nhiều nước có xu hướng nghỉ gần nhà, đi theo nhóm nhỏ, đi du lịch xanh, nghỉ dưỡng, phục hồi và chăm sóc sức khỏe đang tăng mạnh. Điều này đòi hỏi các DN lữ hành phải điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp qua đó thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng gợi ý, để thu hút khách, mỗi địa phương cần tìm sản phẩm độc đáo, riêng biệt mang tính vùng miền. Chẳng hạn tỉnh Quảng Nam đang hướng tới du lịch xanh, nhà hàng không rác thải; tỉnh Quảng Bình với sản phẩm đặc trưng là du lịch mạo hiểm khám phá hang động. Riêng TP Hà Nội tổ chức tour đêm tại Di tích nhà tù Hỏa Lò với trải nghiệm không gian lịch sử hào hùng, thiêng liêng giàu cảm xúc đã thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là những du khách trẻ tuổi tham gia tour.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng cho rằng, thời gian tới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt”, DN du lịch cần tăng cường xây dựng sản phẩm mới, khôi phục nguồn nhân lực, tập trung chuyển đổi số… “Giải pháp này sẽ góp phần giúp ngành du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi và phát triển trong thời gian tới” - ông Bình khẳng định.

Gợi ý cho DN xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp thực tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, trong bối cảnh chung sống với dịch Covid-19 DN nên khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, là các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển dài ngày, du lịch chữa bệnh, chăm sóc, phục hồi sức khỏe sử dụng dược liệu và các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc. “Đây là những sản phẩm du lịch có triển vọng phát triển, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới trong thời gian tới" - ông Khánh nói.

Dưới góc độ DN, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, trong dài hạn các công ty du lịch bên cạnh việc xây dựng kế hoạch đón khách, cần tập trung ngay vào nhóm nghỉ dưỡng gia đình, đón khách quốc tế ở thị trường gần như Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng để thu hút khách quốc tế phụ thuộc vào việc mở đường bay quốc tế bởi tần suất bay càng nhiều cơ hội đón khách càng lớn” - ông Hoan phân tích.

 

Các DN nên đi sâu vào nhóm nhu cầu chuyên biệt của khách, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, du lịch y tế, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo...) phù hợp với từng phân khúc. Ngoài ra, bên cạnh sự nỗ lực từ phía DN, còn đòi ngành du lịch tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietnam Travelmart Cao Trí Dũng